Sách hay

Tia sáng trong đường hầm tối

25/05/2024 07:07 GMT+7

Qua Đời ai nấy chết (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành, Hoàng Đăng Lãnh chuyển ngữ), tác giả Hans Fallada đã tái hiện bức tranh sống động về công cuộc chống Đức Quốc xã của nhân dân Đức trong Thế chiến thứ hai.

Có thể nói, rất ít dịch giả tạo được sức ảnh hưởng như Hoàng Đăng Lãnh. Không chỉ là một dịch giả tiếng Đức kỳ cựu, ông còn giúp mang đến độc giả VN những tác phẩm hay, độc đáo. Nếu Người đến từ Mariupol của Natascha Wodin nói về một mảng lịch sử ít được biết đến của những người Ukraine bị bắt đi lao động cưỡng bức, Khách sạn Mariupol của Eugen Ruge xoáy vào công cuộc "chắt lọc tư tưởng" của một thời đoạn, thì Đời ai nấy chết là tác phẩm nói về cuộc chiến của cái thiện trong lòng cái ác bao trùm.

Cuốn sách xoay quanh cặp vợ chồng Quangel, những người sau khi con trai độc nhất chết trận đã nhận ra sự phi nghĩa của chiến tranh và nhiều tư tưởng lên đến cực đoan ở đất nước mình. Từ đó họ quyết định viết những tấm thiếp chứa lời kêu gọi thức tỉnh và rải lén lút xung quanh Berlin. Nhưng đáng buồn thay hành động nói trên là không đáng kể, trong khi phía Gestapo không ngừng truy tìm ai đang đứng sau những hành động này. Liệu tương lai nào đang chờ đón họ?

Tia sáng trong đường hầm tối- Ảnh 1.

Tác giả Hans Fallada

Britanica

Một thời đảo điên

Đời ai nấy chết, Hans Fallada không quá dụng công về nghệ thuật viết, bởi không - thời gian ở giai đoạn này đã là quá đủ để tạo nên sức hấp dẫn cho cuốn tiểu thuyết. Với số lượng nhân vật tương đối lớn, ông khai thác một cách tỉ mẩn mối quan hệ của từng người một, từ đó dựng lên rất nhiều hình tượng, tính cách sống động. Đó có thể là những người công chính muốn cất tiếng nói thức tỉnh, mà cũng có thể là bọn tay sai hay những con người hoàn toàn bình thường - những kẻ thiếu lý tưởng, hèn nhát hoặc bị vùi sâu dưới đáy xã hội…

Xen kẽ cùng đó, không khí bứt rứt và đầy ám ảnh cũng được khắc họa thành công. Nếu trong Khách sạn Metropole, Eugen Ruge viết về hành động gần như bản năng, khi ông bà mình mỗi đêm luôn lắng tai nghe tiếng chân bước trên hành lang như lời phán quyết cho số phận, thì ở Đời ai nấy chết, tình cảnh bất an cũng gần như thế, khi là tai vách mạch dừng của chỉ điểm, của do thám, trong khi Gestapo nhúng tay khắp nơi, trại tập trung ở Sachsenhausen mỗi ngày một phình rộng hơn còn máy chém ở trại Plötze ngày nào thì cũng rưới đầy máu tươi…

Tia sáng trong đường hầm tối- Ảnh 2.

Tác phẩm Đời ai nấy chết

Tao Đàn

Ánh sáng nhân bản

Mở đầu cuốn sách, tác giả viết: "Khoảng một phần ba câu chuyện của tiểu thuyết diễn ra tại các nhà tù và nhà thương điên, tại những nơi này, âu chết chóc cũng là chuyện thường ngày. Tác giả cũng không lấy làm thích thú khi phải phác họa một bức tranh ảm đạm như vậy, song, đưa quá nhiều ánh sáng vào bức tranh đó cũng có nghĩa là dối trá vậy". Thế nhưng có thể thấy rằng xuyên suốt tác phẩm, Fallada đã luôn tìm cách để duy trì một niềm tin riêng, niềm tin về những giá trị nhân bản và nhân văn nhất của mỗi con người.

Tựa đề cuốn sách Đời ai nấy chết vừa là thực trạng của thời đại ấy, nơi mỗi một người có số phận riêng nhưng cũng lại là động lực để người ở lại vẫn có thể sống. Họ có thể là những cặp vợ chồng bị chia cắt, hoặc cũng có thể là những gia đình bị phân ly… Nhưng điều quan trọng là dẫu mảnh ghép nào đó có bị mất đi, thì người còn lại vẫn sẽ bước tiếp. Đây là góc nhìn có phần tươi sáng của Fallada về thế giới này, khi sự tàn lụi của Đế chế thứ 3 đang đến rất gần.

Tia sáng trong đường hầm tối- Ảnh 3.

Ông bà Quangel và tấm bản đồ đánh dấu địa điểm họ rải bưu thiếp trong phim chuyển thể Alone in Berlin, do 2 minh tinh Brendan Gleeson và Emma Thompson thủ vai

IMDB

Cũng vì lẽ đó mà nhiều nhân vật của Fallada dẫu thuộc hệ thống quyền lực thì vẫn có người giữ được lý trí. Chi tiết viên lính SS cho người vợ trẻ nhìn quanh hầm chứa thi thể để tìm xem có chồng mình không hay viên thanh tra Escherich - người có nhiệm vụ phải tìm ra ai đã rải bưu thiếp - cho đến sau cuối lại thấy ngưỡng mộ đối tượng của mình… tuy chỉ thoáng qua nhưng vẫn đọng lại một cách sâu sắc. Chúng cho thấy rằng ngay cả trong lòng bóng tối thì vẫn có một tia sáng chực chờ thắp lên, mang đến hy vọng cũng như niềm tin về những ngày tới.

Như ông lý giải về cái kết đẹp ở phần cuối sách: "Chúng ta không nên kết thúc cuốn sách này với cái chết, bởi nó được viết ra là để dành cho cuộc sống, cuộc sống vô địch, cuộc sống luôn luôn vượt lên trên mọi nỗi ô nhục và đau thương, nước mắt, cuộc sống mãi mãi chiến thắng mọi thảm họa và chết chóc ở đời". Qua Đời ai nấy chết, Hans Fallada không chỉ khắc họa một giai đoạn biến động của nước Đức dưới chế độ Quốc xã, mà còn nhen nhóm tiếng nói hy vọng cho những ngày sau, như chính bút danh ông đã lẫy ra từ truyện cổ Grimm: "Hans" - trong truyện Hans may mắn, một người coi nhẹ sự đời và Falada - con ngựa nói lên sự thật và chỉ sự thật dẫu khi đứng trước lưỡi hái quyền lực trong truyện Công chúa chăn ngỗng.

Hans Fallada (1893 - 1947) là bút danh của Rudolf Ditzen - một trong những nhà văn Đức nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Đời ai nấy chết là một trong những tác phẩm chống Đức Quốc xã đầu tiên được một người Đức viết sau Thế chiến thứ hai. Năm 2009, chỉ 3 tháng sau khi phát hành bằng tiếng Anh, nó bất ngờ bán chạy ở cả Mỹ và Anh - điều hiếm thấy đối với một cuốn sách đã xuất bản từ lâu. Tác phẩm cũng đã chuyển thể thành phim điện ảnh dưới tựa Alone in Berlin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.