Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn

Tích cực gỡ khó, kiên trì thực hiện phát triển cây sâm Việt Nam

Quang Viên
(thực hiện)
05/08/2024 06:30 GMT+7

Chương trình phát triển sâm VN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì. Liên quan đến việc phát triển sâm VN, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, có cuộc trao đổi nhanh với PV Thanh Niên.

Xin Bộ trưởng cho biết việc triển khai Quyết định 611/QĐ-TTg (gọi tắt: QĐ 611) về Chương trình phát triển sâm VN (SVN) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đang diễn tiến như thế nào, những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ảnh): Ngay sau khi QĐ 611 được ban hành ngày 1.6.2024, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương tích cực, chủ động triển khai thực hiện. Trước mắt, Bộ NN-PTNT chỉ đạo tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc quy định về trồng sâm dưới tán rừng để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng trồng sâm, dự kiến có nghị định trình Chính phủ trong quý 3/2024.

Tích cực gỡ khó, kiên trì thực hiện phát triển cây sâm Việt Nam- Ảnh 1.

Gia Hân

Các địa phương chủ động hướng dẫn chủ rừng, doanh nghiệp (DN) mở rộng diện tích trồng sâm, lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình để hỗ trợ triển khai, thực hiện. Chương trình phát triển SVN là cơ sở để các địa phương có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, tài nguyên rừng trong phát triển sâm có định hướng, thu hút nguồn lực, quy hoạch, phát triển vùng trồng sâm cũng như đầu tư chế biến.

Tuy nhiên, có một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết như: chưa đa dạng hóa hình thức để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trồng sâm dưới tán rừng, đặc biệt là thuê môi trường rừng. Nguồn giống cây sâm từ hạt còn hạn chế, hạ tầng vùng trồng sâm còn khó khăn. Chưa thu hút được DN có tiềm lực đầu tư trồng cũng như chế biến, xây dựng thương hiệu. Hiệp hội sâm cũng chưa được thành lập để đóng vai trò kết nối các DN, thu hút đầu tư.

Hiện những rào cản lớn nhất để phát triển SVN trở thành hàng hóa thật sự là gì, thưa Bộ trưởng?

Quy mô diện tích còn nhỏ, trồng manh mún, sản lượng rất thấp, sản phẩm chủ yếu là dùng thô. Để phát triển SVN trở thành ngành hàng thực sự mang lại giá trị cao, cần làm rất nhiều việc và kiên trì thực hiện, do sâm trồng phải 7 - 8 năm mới thu hoạch. Rào cản trước mắt là muốn mở rộng diện tích trồng, trong đó có trồng sâm dưới tán rừng để thu hút nhà đầu tư, người dân thuê rừng trồng sâm, nhưng chưa có quy định cụ thể. Bộ đang tích cực tháo gỡ vướng mắc này. Rào cản nữa là nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng vùng trồng sâm, cũng như vấn đề chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu…

Theo QĐ 611, chúng ta phấn đấu sản lượng khai thác SVN từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm, nhưng hiện hầu hết sâm được trồng dưới tán lá rừng, rất khó đạt được sản lượng như thế. Bộ NN-PTNT tính toán như thế nào để sâm có thể trồng theo mô hình công nghiệp, không phụ thuộc vào rừng?

Đúng như vậy. Để đạt sản lượng lớn, chất lượng đồng đều…, các địa phương cần chủ động thu hút, khuyến khích DN đầu tư trồng sâm tại khu vực bên ngoài rừng, nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp cho cây sâm phát triển theo phương thức trồng trong nhà lưới, nhà màng, dàn che… quy mô công nghiệp để thâm canh, có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ, biện pháp cơ giới, kiểm soát các điều kiện tự nhiên, dịch bệnh. Đây là kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển ngành nhân sâm.

Hiện cũng chưa có quy trình trồng sâm chuẩn (SOP) cấp quốc gia, Bộ NN-PTNT cũng chưa công nhận SVN là cây trồng chính. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Hiện tỉnh Quảng NamKon Tum đã ban hành quy trình trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Tương tự, tỉnh Lai Châu đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về trồng sâm Lai Châu. Theo quy định của luật Trồng trọt: Loài cây trồng chính là loài cây được trồng phổ biến, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, cần được quản lý chặt chẽ. Hiện nay, 6 loài cây trồng chính là: lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối. Danh mục này sẽ thay đổi theo từng thời kỳ phát triển.

Tích cực gỡ khó, kiên trì thực hiện phát triển cây sâm Việt Nam- Ảnh 2.

Sâm Ngọc Linh được trồng ở huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam)

Mạnh Cường

QĐ 611 cũng đề cập việc tổ chức triển khai, lồng ghép thực hiện với các cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm tạo điều kiện để phát triển SVN. Bộ trưởng có thể cho biết tình hình thực tế của việc triển khai, lồng ghép này?

Việc lồng ghép thực hiện chương trình sâm với các cơ chế, chính sách đã ban hành là rất cần thiết trong quá trình triển khai, thực hiện, giúp không trùng lặp kinh phí cũng như kết hợp, tối ưu hóa được nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án khác, nhất là nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Ví dụ các địa phương đã lồng ghép nội dung trồng sâm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, hỗ trợ đến 1 tỉ đồng/dự án trồng dược liệu quý (gồm có SVN) hoặc cho vay không vượt quá 96 tỉ đồng đối với Dự án vùng trồng dược liệu quý, không vượt quá 92 tỉ đồng đối với Dự án trung tâm nhân giống (Nghị định 28/2022/NĐ-CP, ngày 26.4.2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình nói trên). Hiện nay, một số địa phương đang bắt đầu thực hiện việc triển khai, lồng ghép nguồn vốn thực hiện từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi như: đầu tư trung tâm nhân giống cây dược liệu tại H.Nam Trà My (Quảng Nam), H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) là hai vùng trồng cây sâm Ngọc Linh chủ yếu.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.