Tiệc cưới... kể chuyện: Chú rể, cô dâu mỏi mòn đợi khách

09/08/2018 10:12 GMT+7

Nhiều đôi uyên ương 'khóc ròng' khi cận giờ làm lễ mà khách chỉ đến lác đác, những bàn tiệc trống huơ trống hoác. Tình trạng 'giờ cao su' khi đi ăn cưới khiến nhiều chú rể, cô dâu mỏi mòn đợi khách.

"Khách ở đâu mà lâu tới vậy?"
Văn Kiên và Thu Kim (quê ở Quảng Ngãi) vừa tổ chức đám cưới vào cuối tháng 7.2018. Ngày cưới diễn ra, dù đồng hồ đã điểm 18 giờ 55 phút, chỉ còn 5 phút là cô dâu, chú rể phải bước lên sân khấu làm lễ nhưng chưa đầy chục bàn tiệc trong tổng số 25 bàn tiệc là đủ người. Còn lại, khách cứ đến lác đác.
"Vì bố mẹ quen với những đám cưới ở quê, mời giờ nào là khách đến giờ đó, rất đông đủ, nên cảm thấy sốc và bất ngờ khi đã cận giờ làm lễ mà những bàn tiệc trống huơ trống hoác. Bố lật đật chạy ra hỏi: con mời khách ở đâu mà lâu tới đây quá vậy? Mình cũng không hiểu vì sao, trong thiệp mời ghi mời 18 giờ đón khách, 19 giờ bước vào tiệc, vậy mà đến hơn 20 giờ khách mới đến gần đủ", Kiên kể.
Nhiều cặp đôi cũng chia sẻ, cảm thấy rất buồn khi ngày vui trọng đại trong cuộc đời của mình nhưng phải diễn ra muộn hơn dự kiến, muộn hơn nhiều so với thời gian ghi rõ ràng trong thiệp, chỉ vì thói quen "giờ cao su" của nhiều người.

"Nếu hỏi những ai từng cưới hoặc sắp sửa cưới, điều gì khiến họ lo lắng nhất, thì có lẽ là họ sợ khách đến muộn so với thời gian mời. Mình từng đi đám cưới nhiều lần, và chứng kiến vô số cảnh cô dâu, chú rể 'khóc dở mếu dở' khi khách đến muộn. Bàn tiệc 10 người, đã xong các thủ tục nghi lễ trên sân khấu, vậy mà bàn tiệc chỉ có 2, 3 người. Có đám cưới, cô dâu và chú rể phải quyết định hoãn thời gian vào tiệc muộn hơn cả tiếng đồng hồ", Nguyễn Anh Hiếu, nhân viên Công ty CP xây dựng PMEC TP.HCM, kể.
Nguyễn Hữu Vinh (quê ở Bến Tre, đang làm cho một công ty game online ở TP.HCM), nhớ lại đám cưới của mình diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua. "Mình mời 200 khách, nhưng cứ 5 phút mới có một người đến, đến lúc phải vô sân khấu theo kịch bản thì chỉ có khoảng 40 người đến dự. Tiệc cưới vẫn cứ diễn ra, nhà hàng vẫn cứ đem món lên, đến gần những món cuối cùng thì khách mới đến đông đủ, lấp đầy các ghế trống. Buồn vô cùng buồn".
Vinh bảo: "Dường như thói quen 'giờ cao su' hiện diện trong khắp các câu chuyện, mà có lẽ trong tiệc cưới là rõ nét và dễ thấy nhất".
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mọi người vướng phải "giờ cao su" khi tham gia các tiệc cưới. Có thể là do tắt đường, kẹt xe, hư xe bất ngờ, sự cố ngoài ý muốn... Thế nhưng vì điều này hiện diện ở hầu hết các tiệc cưới, thì có thể nói vì một bộ phận người, trong đó có người trẻ đã ỷ lại, thiếu tôn trọng người khác, và "giờ cao su" đã trở thành một thói quen khó chữa.
"Vì đi dự cưới theo 'giờ cao su', vô tình làm ảnh hưởng đến cô dâu, chú rể và nhiều người khác, khiến những buổi tiệc bị gián đoạn hoặc diễn ra muộn hơn. Đó là điều không nên. Để tránh thói quen này, có thể đi sớm hơn 15 - 20 phút, lường trước những sự việc bất ngờ. Và quan trọng nhất, hãy biết tôn trọng bản thân mình cũng như người mời mình đến dự", bà Thương nói.
Để khách đến đúng giờ
Có nhiều cách để khách có thể đến đúng giờ trong những tiệc cưới. Sau nhiều lần chứng kiến các câu chuyện của bạn bè, Trần Anh Đức, nhân viên Công ty TNHH Minh Phúc (TP.HCM) đã quyết định mời khách đến trước 30 phút. "Mình dự định đón khách từ 18 giờ, đãi tiệc từ 19 giờ. Nhưng sợ khách đến trễ nên ghi trong thiệp là đón khách từ 17 giờ 30, tiệc đãi lúc 18 giờ 30. Chưa kể, khi đưa thiệp mời, mình cũng nhắc khéo là 'đừng đến trễ nha, cố gắng thu xếp đến sớm'", Đức kể.
Lê Vũ Anh Thư (26 tuổi, quê ở Bình Thuận) chia sẻ: "Khi đi mời cưới, nên liệt kê ra những 'tiết mục' hấp dẫn sẽ diễn ra trước lễ cưới như các chương trình hòa tấu, ca hát nhảy múa hay chụp hình cùng cô dâu chú rể... để khách cảm thấy thú vị, muốn đến sớm để xem. Có như vậy thì phần nào khiến khách đến sớm hơn".
Thiệp cưới nhắc khéo khách đến đúng giờ của Thị An và Hải Bun đem lại hiệu quả ẢNH: NVCC
Cách đây không lâu, khi tổ chức tiệc cưới, cặp đôi Lê Thị An và Hoàng Hải Bun (đang làm việc ở Đồng Nai) đã khéo léo in trong thiệp mời dòng chữ "nhắc nhẹ" khách là: "Để tránh tình trạng lạc đường và kẹt xe, vui lòng liên hệ theo số điện thoại:... để được hướng dẫn tận tình và chu đáo. Chú ý chú ý: Quan khách hạn chế sử dụng giờ 'dây thun' dưới mọi hình thức". Và chiêu này đã đem lại hiệu quả.
Ý kiến:
"Sắp tới mình sẽ cưới, được bạn bè nhắc là phải làm cách nào đó để khách đến đúng giờ chứ mọi người hay có thói quen đi ăn cưới theo 'giờ cao su'. Mình cũng lo lắm", (Nguyễn Tiến, Tiền Giang).
"Cũng muốn đi đám cưới đúng giờ lắm. Mà sợ đến sớm quá thì cô dâu, chú rể nghĩ 'chắc ham đi ăn cưới lắm' nên cũng ngại. Vì thế, đi muộn muộn một tí. Vả lại nhiều người cũng đến dự cưới muộn giống mình nên không sao cả", (Thanh Hải, TP.HCM).
"Đi đám cưới đúng giờ là cách thể hiện sự tôn trọng dành cho cô dâu, chú rể. Chứ lề mề đi trễ là vô tình tạo hình ảnh xấu của bản thân", (Anh Quang, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.