Tiệc tùng cuối năm: Từ chối uống rượu bia thế nào để không mích lòng nhau?

31/12/2019 15:42 GMT+7

Đối với nhiều người trẻ việc uống rượu bia trong các cuộc vui, hay tiệc tùng cuối năm là điều không tránh khỏi. Quan trọng là biết từ chối khéo nếu mình không thích uống, đồng thời ngưng uống đúng lúc để bảo vệ bản thân.

Bị ép uống đến gây tai nạn giao thông

Hay đi nhậu với bạn bè, nhiều lúc bị người khác ép uống rượu bia, anh Trần Anh Thư, 24 tuổi công tác tại Bệnh viện 115 (TP.HCM) cho biết: “Mình thấy mấy người 'đô' mạnh thích thể hiện bản thân, thường ép người khác uống rượu bia. Hồi đó trên bàn nhậu mình uống không được nhiều rồi bị người ta nói 'nam nhi sao uống ít vậy, con trai mà sao yếu vậy' rồi mình tự ái quá nên phải uống say muốn cấm đầu xuống đất, về nhà nhức đầu cả tuần liền”.
Nhớ như in lần bị tai nạn giao thông trong thời điểm Giáng sinh năm ngoái trên quốc lộ 20 gần nhà, chị Lê Thị Diễm Lệ, 20 tuổi, ngụ huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (hiện là giáo viên tại Bình Phước) kể lại: “Thường nhóm bạn mình sẽ tụ tập vào cuối tuần hoặc các dịp lễ. Để tăng thêm niềm vui thì nhiều bạn thường chủ động gọi bia để uống, dù là con gái nhưng mình vẫn bị ép uống, lúc đầu mình nghĩ cho vui, nhưng sau đó thì mình không kiểm soát được. Nhớ lúc đó uống 2 chai bia thì mình hơi choáng, bạn bè có bảo chở về nhưng mình chủ quan nên tự chạy xe máy về. Khi đi qua đường thì loạng choạng, không nhìn rõ phía sau nên bị xe máy đâm trúng, may là mình chỉ bị xây xát nhẹ”.
Anh Nguyễn Thanh Hậu, 36 tuổi, ngụ hẻm 71 đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM, tâm sự: Nhớ đầu tháng 2 mình có nhậu với người cháu, lúc đầu nó không muốn uống. Mình thì cứ mời nên mãi sau nó ngại nên chịu uống. Kết thúc tiệc, cháu chạy xe về, khoảng 20 phút sau mình nghe ba mẹ nó điện và nói cháu bị tai nạn giao thông, tự nhiên lúc đó mình hối hận vô cùng.

Từ chối người khác phải hết sức khéo léo

Từ những câu chuyện đó, anh Nguyễn Thanh Hậu cho biết nếu cảm thấy mình uống không được nhiều thì chủ động từ chối. Rượu bia vào người là lý trí không còn được bình thường, đôi lúc có nhiều người chỉ uống được 1-2 ly là cùng, nếu ép nhiều quá người ta dễ gây ra mâu thuẫn, có thể đánh nhau.
Chị Võ Thị Hạnh Vi, 27 tuổi công tác tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM cho biết người xưa có câu “khách đến chơi nhà không trà thì rượu” vì vậy đối với quan điểm của mình nếu như có một cuộc vui nào đó với bạn bè, công ty hay cơ quan thì mình có thể uống bia rượu với nhau một cách vui vẻ thì tốt thôi.
“Nên uống 1-2 lon thôi, và đừng bao giờ dùng bất kỳ lời lẽ khiêu khích người khác phải uống bia rượu. Nếu người ta không muốn uống, đừng cố ép. Đồng thời, đừng bao giờ để cho bản thân mình phải uống bia rượu vì người khác, hãy kiên quyết khi không muốn uống và luôn cố gắng kiểm soát bản thân...”, chị Hạnh Vi nhắc nhở. 
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty phát triển giá trị sống TP.HCM, nhận định đã dùng từ “ép” thì chắc chắn trên bàn nhậu đó không vui rồi. Người ép người khác uống rượu bia là người hay dùng ý chí, sức ảnh hưởng, quyền lực của họ để buộc người khác phải uống, đó là điều không nên.
Chuyên gia giáo dục này chia sẻ: "Khi từ chối lời mời uống bia rượu từ người khác phải hết sức khéo léo. Mình cũng có thể uống nhưng chỉ nhấp môi, thì đối phương tự khắc sẽ biết mình chưa muốn uống hoặc không muốn uống...”.
Anh Phạm Thanh Tuấn, chuyên viên tham vấn tâm lý Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng khẳng định rằng việc từ chối người khác khi họ mời uống rượu bia cũng dễ gây mất lòng và khó hòa nhập vào cuộc vui.
“Trên bàn nhậu để từ chối khéo léo, mình có thể thực hiện một số cách như là giao tiếp, nói chuyện nhiều hơn đặc biệt là bàn về sức khỏe của bản thân để cho đối phương biết được tình trạng của mình và quên đi việc mời mình uống bia rượu. Đồng thời nên chọn những vị trí ngồi xa với những người hay uống rượu bia, di chuyển nhiều hơn là ngồi một chỗ... Sau khi từ chối khéo bia rượu, bạn có thể nói chuyện với những người không thích uống rượu bia và dành thời gian để “chém gió” nhiều hơn thay vì nâng ly liên tục trên bàn tiệc. Như vậy, bạn không làm mất lòng khách khứa khi bỏ về sớm mà cũng tránh bị kéo ngược trở lại với rượu bia trên bàn. Không chỉ vậy, buổi tiệc sẽ có ý nghĩa bởi những câu chuyện, mối quan hệ cũng được phát triển ở góc độ tích cực hơn. Tất nhiên, lý do nào để từ chối khéo rượu bia vẫn không quan trọng bằng ý thức bảo vệ chính bản thân của mình”, anh Phạm Thanh Tuấn chia sẻ.
Từ 1.1.2020, theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là vi phạm pháp luật.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14.6.2019, có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Đây là một trong những luật chứa những quy định tác động mạnh tới đông đảo người dân Việt Nam.
Trong đó, Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, đặc biệt cấm xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia; Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Và cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.