'Tiêm 2-3 mũi vắc xin, về quê vẫn xét nghiệm và cách ly thì quá vô lý'

18/01/2022 11:39 GMT+7

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa đến tết Nguyên đán 2022, song mỗi tỉnh, thành vẫn có những quy định cách ly riêng với người dân từ địa phương khác trở về quê ăn tết.

UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu người về từ vùng đỏ và cam đã tiêm đủ liều vắc xin thì phải cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 3 lần và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Đối với người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, phải cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 4 lần và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Nếu về từ vùng vàng, người dân phải cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.

Người lao động Thanh Hoá ngoại tỉnh lên tới cả triệu người

minh hải

Trong khi đó, Hưng Yên yêu cầu người từ nơi khác về quê phải có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Người Hưng Yên ra ngoài tỉnh hoặc từ vùng dịch về phải khai báo y tế, tự cách ly tại nhà 14 ngày, test nhanh cho kết quả âm tính mới được tham gia hoạt động tại cộng đồng.

Covid-19 sáng 18.1: Cả nước 2.045.290 ca | TP.HCM gia hạn gói hỗ trợ đợt 3

Mỗi tỉnh một kiểu, mỗi xã một phách

Thanh Hoá từng gây xôn xao dư luận với văn bản khuyến cáo người dân về quê ăn tết, sau đó lại tới quyết định của xã Thiệu Phú (H.Thiệu Hoá) khi khoá cửa một số nhà dân có người từ địa phương khác trở về.

Sau khi báo chí phản ánh, dư luận phản ứng, Thanh Hoá đã phải điều chỉnh lại các văn bản hướng dẫn, UBND H.Thiệu Hoá cũng đã chấn chỉnh, yêu cầu xã mở khoá nhà cho hộ dân có người cách ly.

Tới nay, theo quy định mới nhất, Thanh Hoá chỉ yêu cầu người đến từ vùng cấp độ 3 và 4 tự cách ly tại nhà 7 ngày nếu tiêm đủ 2 liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; người từ vùng có dịch thuộc cấp độ 1 và cấp độ 2 không bị cách ly, không bắt buộc xét nghiệm, chỉ cần khai báo y tế, thực hiện 5K và theo dõi sức khỏe.

Tỉnh Ninh Bình thì yêu cầu những trường hợp có nhu cầu về địa phương phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh, nếu kết quả xét nghiệm âm tính mới được về nhà.

Nhà hộ dân tại xã Nam Cao, H.Kiến Xương (Thái Bình) bị khoá trái cửa, kèm thông báo như trên trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà

lê tân

Tương tự ở Thanh Hoá, xã Nam Cao (H.Kiến Xương, Thái Bình) cũng khoá trái cửa hộ gia đình thực hiện cách ly tại nhà. Lãnh đạo xã này sau đó cho biết sẽ công khai xin lỗi gia đình người dân và tổ chức họp với cá nhân liên quan.

Có 33 tỉnh thành đang là ‘vùng xanh’ Covid-19

Đừng đổ tại người nơi khác về làm lây lan dịch

Trước các quy định cách ly “mỗi nơi một phách”, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng nhiều địa phương đang làm trái với Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không yêu cầu xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người từ địa bàn dịch cấp độ 4 (vùng đỏ - nguy cơ rất cao), vùng phong tỏa; trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ từ địa bàn có dịch cấp độ 3 (vùng cam- nguy cơ cao). Người dân từ tỉnh này đến tỉnh khác không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.

“Người dân đa số đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thậm chí tiêm 3 mũi vắc xin, nhưng về quê vẫn phải xét nghiệm và cách ly thì quá vô lý. Các hướng dẫn đã rõ ràng, chủ tịch các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm và quán triệt với địa phương cấp dưới, không để tình trạng phường, xã bên dưới “cửa quyền” tự đưa ra quy định cực đoan như kiểu khoá cửa hộ dân cách ly”, ông Nga nói.

Cũng theo chuyên gia này, cả nước hiện không còn vùng đỏ, ngay cả TP.HCM đã về vùng xanh, Hà Nội có số ca mắc mới cao nhất mỗi ngày cũng chỉ là vùng vàng (cấp độ 2). Về nguy cơ lây nhiễm mà các địa phương lo ngại, ông Nga cho rằng dịch đã ở cộng đồng rất nhiều.

“Bằng chứng ở nhiều người ở các địa phương ra bệnh viện tuyến T.Ư ở Hà Nội khám bệnh mới phát hiện dương tính với Covid-19. Như vậy dịch đã có nội tại tại nhiều địa phương nhưng chưa được phát hiện ra. Đừng đổ cho người ở Hà Nội hay nơi khác về làm lây lan dịch”, TS Nguyễn Huy Nga nói.

Chuyên gia dịch tễ này cũng cho rằng, với hiệu lực vắc xin, khoảng 70% người tiêm được bảo vệ tối ưu, song 30% còn lại không đạt hiệu quả tối ưu hoặc do sức đề kháng vẫn có thể nhiễm bệnh, không triệu chứng. Tình trạng lây nhiễm hiện nay có thể ví như “tảng băng nổi”, phát hiện 1 trường hợp dương tính thì có hàng trăm trường hợp dương tính khác chưa được phát hiện. Ví dụ như Hà Nội phát hiện 100.000 ca dương tính thì có thể cả triệu người dương tính khác chưa phát hiện.

Vì thế, TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, vấn đề không phải là cấm cản người dân không được đi lại hay yêu cầu xét nghiệm trong 72 giờ trước khi về quê, vì các quy định này không mang lại hiệu quả.

"Người dân xét nghiệm âm tính lúc đó nhưng sau đó có thể dương tính, nên xét nghiệm trong 72 giờ mới được về quê không hiệu quả, chưa kể vì thấy âm tính rồi nên càng chủ quan hơn. Sức khoẻ là tài sản của mỗi người dân, không ai có thể quản lý tất cả được. Người dân cần tự bảo vệ cho bản thân, tuân thủ tuyệt đối 5K, chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tiêm nhắc lại mũi 3 cho tất cả các trường hợp trong độ tuổi", ông Nga đánh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.