Thay áo mới
Bài đăng kêu gọi của anh Phạm Tâm Tuấn Khương (30 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) trên mạng xã hội được cộng đồng góp sức 100 triệu đồng để sửa sang tiệm, giúp các em khiếm thị gắn bó công việc của mình. Nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Happy Sun khá nổi bật với tông màu hồng pastel. Các thiết kế của tiệm đều do anh Khương lên ý tưởng và liên hệ thi công. “Mình biết tiệm cách đây 2 năm, sau khi tiệm xuống cấp quá nhiều do dịch bệnh, các sơ đã đồng ý để tôi sửa sang lại toàn bộ tiệm từ kho, bảng hiệu đến phòng bánh bên trong. Chi phí hơn 100 triệu và do cộng đồng hỗ trợ. Các hoạt động ở tiệm do các sơ trực tiếp quản lý”, anh Khương chia sẻ.
Để thấy rõ hơn, Thành phải cúi sát mặt bàn |
Tiệm có hơn 20 loại bánh mặn, ngọt khác nhau. Những chiếc bánh được làm ra bởi các sơ và bạn trẻ khiếm thị đang được mái ấm Nhật Hồng bảo trợ. Trong phòng trộn bột, sơ Hà Thị Loan - quản lý tiệm bánh - đang tách riêng lòng trắng và lòng đỏ trứng. Phía bên kia, hai bạn đang tạo hình cho mẻ bánh mới. Hôm nay, đơn hàng nhiều nên mọi người đều chú tâm vào công việc, thỉnh thoảng sơ Loan ra quầy bán để nhận thêm đơn. “Các sơ cũng đi học ở những tiệm bánh hoặc là mời người về dạy. Đây cũng là nơi tạo ra thu nhập cho mái ấm và công việc cho các em khiếm thị còn nhìn thấy. Bánh thì bán tùy ngày, không cố định đâu. Ngày thì ít, ngày thì khá hơn. Mái ấm có khoảng 20 em khiếm thị, đa số đang đi học cấp 2 - 3 và cả đại học. Những em không đi học nữa thì làm việc. Mái ấm đã thành lập được 27 năm, rất nhiều thế hệ các em khiếm thị đã trưởng thành từ đây”, sơ Loan tâm sự.
Anh Khương (thứ 3 từ trái sang) cùng các em khiếm thị làm việc tại tiệm bánh |
Gia Thanh |
Tiệm bánh của mình
Thanh An làm việc ở tiệm bánh cũng gần 1 năm. Mắt của An và 2 bạn Linh, Thành thấy mờ mờ nên có thể làm việc. Mỗi ngày, các bạn dậy từ 4 giờ sáng mỗi người một việc nhưng luôn hỗ trợ nhau. Mới đầu, mọi thứ đều mới mẻ với An. Cô gái trẻ chưa từng tiếp xúc với bột mì, men, trứng, kem sữa hay các loại bơ nên mất nhiều thời gian làm quen. Sự khác nhau trong công thức và cách làm của từng loại bánh cũng là một thách thức với cô. “Công việc cũng không quá vất vả nhưng cần sự kiên trì và chăm chỉ. Tôi ở đây vừa có việc làm, có thu nhập vừa được các sơ chăm lo nhiều. Hiện tại, tôi không có ý định gì xa cả, chỉ muốn tập trung vào công việc làm bánh này”, An chia sẻ. Linh là thợ lành nghề nhất trong số các bạn khiếm thị. Vào tiệm bánh từ những ngày đầu, Linh gắn bó với tiệm được 4 năm. “Tôi cảm thấy may mắn khi bản thân có được công việc ở đây. Tôi bị mù màu và hạn chế tầm nhìn nên khó mà tìm được công việc so với người bình thường. Ở đây, công việc không nhiều áp lực vì các sơ luôn thương yêu, hỗ trợ và các bạn thì đồng cảm với mình”, Linh tâm sự. Tiệm bánh đóng cửa lúc 20 giờ và sau đó là thời gian các bạn được nghỉ ngơi. “Cuộc sống ở mái ấm khá ổn định và tôi có được nguồn thu nhập nuôi sống bản thân. Nhưng thỉnh thoảng, tôi cũng nhớ gia đình. Mặc dù, người khiếm thị đã phải sống xa nhà từ nhỏ nhưng đôi lúc nỗi nhớ nhà lại dâng lên. Hy vọng tương lai tôi có thể mở một tiệm bánh ở quê và dạy nghề cho các bạn khiếm thị như mình”, Linh tâm sự.
Đang trò chuyện với PV, An tiếp đón những vị khách bất ngờ. Đó là vợ chồng bà Yến (56 tuổi, ngụ Q.3) đã đội mưa đến Happy Sun mua. Ông bà đọc được thông tin tiệm bánh của người khiếm thị trên mạng xã hội và tranh thủ ghé ủng hộ. Giá bánh cũng khá bình dân, trung bình 10.000 đồng/cái. Tiền bánh chỉ hết hơn 200.000 đồng, nhưng vợ chồng ông bà gửi 500.000 đồng hỗ trợ cho tiệm. “Vợ chồng tôi là người công giáo. Đọc câu chuyện của các sơ và các cháu khiếm thị ở đây rất là thương nên mua bánh ủng hộ. Nay mua bánh về ăn và chia cho bạn bè, người thân”, bà Yến cười nói.
Bình luận (0)