Bạn có biết, tiêm chất làm đầy vào ngực là không an toàn và thực sự bị nghiêm cấm ở Singapore và nhiều quốc gia trên thế giới? Ở TP.HCM vụ việc cô gái 27 tuổi (Cà Mau) tử vong sau khi tiêm filler nâng ngực tại khách sạn khiến dư luận không khỏi xôn xao những ngày gần đây.
Trên thực tế, Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật thẩm mỹ Anh (BAAPS) và Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo Anh (BAPRAS) đã rất ủng hộ khi phương pháp điều trị này được rút lại vào tháng 3.2011.
Chất làm đầy là gì?
Bác sĩ CKI. Đỗ Quang Khải (BV Thẩm mỹ Nam An) cho biết: “Tiêm filler ngực là tiêm chất làm đầy vào bên trong phần mô mềm của ngực. Hợp chất filler được tiêm thông thường sẽ là axit hyaluronic hoặc canxi sẽ giúp vùng ngực được căng tròn, thời gian sẽ dao động từ 18 - 24 tháng đối với HA và 5 năm đối với canxi thì các hợp chất này sẽ tan đi”.
Người ta tin rằng những chất làm đầy da (filler) như vậy có thể làm cho ngực lớn hơn từ một đến hai cup ngực". Filler ban đầu được phát triển và phê duyệt ở châu Âu vào năm 2008 để sử dụng trong nâng ngực. Nhưng rồi nhanh chóng bị rút khỏi thị trường trong ba năm vào năm 2011 vì nhiều vấn đề được báo cáo.
Đáng chú ý, phương pháp nâng ngực bằng filler này chưa bao giờ được FDA chấp thuận.
"Độ" vòng 1 bằng filler có an toàn?
Chất độn ngực hoạt động theo cách tương tự như các chất làm đầy da khác được sử dụng cho vùng dưới mắt và môi. Bác sĩ Andy Huỳnh cho biết: "Chất làm đầy ngực từng phổ biến trong ngành thẩm mỹ nội khoa. Trên thực tế, tiêm chất làm đầy vào ngực là một thủ thuật đơn giản và dễ thực hiện. Nó không liên quan đến PTTM và không mất thời gian. Quy trình phục hồi cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với PTTM nâng ngực. Tuy nhiên, có một tỷ lệ biến chứng cao và không an toàn hơn PTTM bằng túi nước muối hoặc túi silicon".
Một số nghiên cứu đã chỉ ra những rủi ro khi sử dụng chất làm đầy Copolyamide và chất làm đầy axit Hyaluronic để nâng ngực. Các sản phẩm có chứa một số loại silicon dạng tiêm có thể nguy hiểm và gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Ở Việt Nam, thị trường làm đẹp về filler khá "thoải mái", không bị nghiêm cấm nên những ai có nhu cầu với việc làm đẹp từ filler đều có thể.
Tuy nhiên bác sĩ Khải cũng thận trọng lưu ý: "Tất cả các chất filler đưa vào cơ thể phải được nhập khẩu chính hãng và có giấy phép của Bộ Y tế. Người tiêm phải là những bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về PTTM, những bác sĩ có chuyên khoa khác có chứng chỉ về tiêm filler như bác sĩ da liễu. Địa điểm thực hiện phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn vô khuẩn và có được danh mục cấp phép của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế. Hãy thật cẩn trọng với những cơ sở thẩm mỹ không đáp ứng đủ các yêu cầu trên bởi khi có sai sót xảy ra sẽ không có hướng xử lý kịp thời. Hiện nay nhiều cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận mà pha trộn tạp chất như silicon lỏng (từ năm 1990, silicon lỏng đã cấm dùng cho mục đích y tế). Silicon lỏng này là dị vật lạ khi đưa vào cơ thể sẽ không tan được và gây ra nhiều biến chứng khó lường".
Các phương pháp nâng ngực an toàn
Có 2 phương pháp nâng ngực được giới chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo an toàn đó là phương pháp nâng ngực bằng mỡ tự thân và nâng ngực nội soi.
Nâng ngực nội soi: Đây là phương pháp phẫu thuật cấy ghép túi độn ngực vào bên trong ngực thật với sự hỗ trợ của các máy móc nội soi chuyên dụng tiên tiến, giúp bác sĩ đưa túi độn vào bên trong một cách dễ dàng, chính xác, ít xâm lấn, giúp ngực cao và đầy đặn hơn.
Nâng ngực bằng mỡ tự thân: Phương pháp này sẽ lấy lượng mỡ thừa trên cơ thể (vùng đùi, tay, bụng…) để cấy vào vòng 1. Tuy nhiên tỷ lệ sống của các tế bào mỡ này thấp, chỉ khoảng 50% sống sót khi đưa vào cơ thể.
Trong khi việc tiêm chất làm đầy vào mặt không gây ra nguy hiểm thì việc sử dụng những mũi tiêm như vậy để làm to ngực có thể không phải là một lựa chọn an toàn cho lắm. Hầu hết các bác sĩ lâm sàng có đạo đức đều không khuyến khích việc tiêm chất làm đầy vào ngực.
Thẩm mỹ làm đẹp là một nhu cầu thiết yếu và chính đáng của chị em phụ nữ hiện nay. Tuy nhiên, hãy nhớ làm đẹp an toàn - khoa học và có hiểu biết.
Theo: FDA, The Sun, BSCC