Tiêm filler làm đẹp có an toàn như quảng cáo?

11/07/2023 13:55 GMT+7

Dịch vụ tiêm filler được nhiều spa, thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp quảng cáo là an toàn, ít biến chứng, tuy nhiên thời gian qua nhiều trường hợp gặp biến chứng, thậm chí là tử vong do sử dụng dịch vụ này.

Liên tiếp nhiều ca biến chứng do tiêm filler, "mỡ nhân tạo"

Cuối tháng 6, tại Cà Mau đã xảy ra vụ tai biến thẩm mỹ sau tiêm filler nâng ngực. Nạn nhân là chị T.T.L (27 tuổi, quê ở Cà Mau, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM). Khoảng 8 giờ, chị L. nhờ người chở đến khách sạn để tiêm nâng ngực như đã hẹn trước đó, người tiêm là chủ spa, bạn của chị. Tuy nhiên, đến 9 giờ 30 phút thì xảy ra tai biến cấp cứu, 13 giờ chiều cùng ngày, chị L. tử vong.

Trước đó, chị T.N.N.X (46 tuổi, quê Đà Nẵng) muốn sở hữu dái tai to dài, gương mặt đầy đặn và đôi bàn tay búp măng nên được một cơ sở làm đẹp tư vấn tiêm mỡ nhân tạo vào tai, cằm và mu bàn tay. Chỉ sau vài tháng, các vùng tiêm "mỡ nhân tạo" bắt đầu biến dạng, hai tai tím tái, vùng cằm áp xe, 2 tay phù to, nhiều vùng bầm tím. Qua thăm khám lâm sàng và chẩn đoán bằng hình ảnh, bác sĩ phát hiện hợp chất mà spa tiêm cho bệnh nhân không phải là mỡ nhân tạo, mà là silicon lỏng đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong làm đẹp.

Tiêm filler làm đẹp có an toàn như quảng cáo - Ảnh 1.

Vùng cằm bệnh nhân bị biến chứng do tiêm silicon

C.A

Hay như trường hợp chị H.H.Q (28 tuổi, ở TP.HCM) mong sở hữu đôi môi căng mọng, quyến rũ nên chị Q. đến một cơ sở thẩm mỹ tiêm chất làm đầy (tiêm filler) vào môi. Tuy nhiên sau 2 ngày, môi của chị sưng phù. Đến ngày thứ 3, chị cảm giác đau nhức vùng môi nên đã đi thăm khám. Chị Q. đến khám tại một bệnh viện ở TP.HCM trong tình trạng môi bị biến chứng áp xe, sưng to, căng bóng, kèm chảy mủ, được chẩn đoán bị áp xe môi do nhiễm trùng. 

Vì sao tiêm filler có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm?

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết: Tiêm filler thường được quảng cáo với những lời hoa mỹ như không đau, đẹp tức thì, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên việc tiêm này nếu được thực hiện ở ngực và mông với hàm lượng lớn chính là lúc xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. Trường hợp nhẹ có thể gây sưng đỏ, bầm tím, đau, dị ứng (ngứa, phát ban) vùng ngực. Trường hợp nặng nếu tiêm vào mạch máu, động mạch có thể gây tắc mạch và hoại tử mô xung quanh vùng ngực, tuyến vú, núm vú, về sau gây biến dạng vú trầm trọng.

Chưa kể còn nhiều trường hợp rất nhiều chị em vì ham rẻ tiêm filler nhưng thực chất lại là silicon lỏng. Filler là tên gọi chung của các chất làm đầy. Và silicon dạng lỏng chính là một loại filler. Điểm chung của filler và silicon là đều có thể giúp chúng ta làm đầy các tổ chức khuyết của cơ thể. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là độ an toàn của filler và silicon là như nhau.

Tiêm filler làm đẹp có an toàn như quảng cáo - Ảnh 1.

Tiêm filler nâng ngực với lượng lớn có thể gây ra biến chứng, thậm chí tử vong

SHUTTERSTOCK

Silicon dạng tiêm là vĩnh viễn và ở lại trong cơ thể của chúng ta. Nó có thể di chuyển khắp cơ thể và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, kể cả tử vong. Trên thực tế, khi được tiêm vào những vùng có nhiều mạch máu, chẳng hạn như mông, ngực, silicon có thể đi qua các mạch đó đến các bộ phận khác của cơ thể và làm tắc mạch máu ở phổi, tim hoặc não. Điều này có thể gây đột quỵ hoặc thậm chí tử vong.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 100 - 150 ca nhu cầu làm đẹp, trong đó có khoảng 3-5 ca mong muốn được tiêm filler (chất làm đầy). Tiêm filler là một kỹ thuật được sử dụng để làm đầy một số vùng thiếu hụt thể tích cần nhô ra nhằm chỉnh sửa đường nét. Mặc dù kỹ thuật này không xâm lấn nhưng vẫn có những nguy cơ rủi ro biến chứng xảy ra nếu thực hiện không đúng cách.

Tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những ca tai biến do tiêm filler, số lượng ca tăng lên trong những dịp lễ tết. 

"Thông thường tai biến sẽ xảy ra ở những cơ sở không được cấp phép, sản phẩm sử dụng không có nguồn gốc rõ ràng, người thực hiện đôi khi không phải là bác sĩ. Tiêm filler là một kỹ thuật khó, chỉ an toàn khi thực hiện đúng phương pháp", bác sĩ Ánh Tú chia sẻ.

Cẩn thận với silicon đội lốt "mỡ nhân tạo" 

Theo bác sĩ Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW (TP.HCM), hiện nay có rất nhiều người chạy theo trào lưu tiêm filler, mỡ nhân tạo để tạo tai Phật, tay búp măng... mong đổi vận giàu sang. Tuy nhiên, mọi người cần phải hết sức chú ý vì tai là bộ phận cực kỳ dễ tổn thương. Nếu tiêm một lượng quá lớn filler, kỹ thuật sai sẽ dễ gây nhiều hệ lụy biến chứng.

"Phải lưu ý rằng hoàn toàn không có chất nào gọi là mỡ nhân tạo. Đây thực ra chỉ là chiêu trò quảng cáo của các spa chui, để đánh lừa nạn nhân. Thực chất spa sẽ tiêm silicon lỏng vốn đã bị Bộ Y tế cấm từ lâu trong làm đẹp. Người dân tuyệt đối không thực hiện làm đẹp tại các cơ sở spa chui để tránh các biến chứng", bác sĩ Tú Dung cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương chia sẻ, khi có nhu cầu làm đẹp, chúng ta cần tìm những địa chỉ uy tín và tìm hiểu rõ những thông tin trước khi đưa những sản phẩm vào cơ thể. Chọn đúng những cơ sở thẩm mỹ có kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ làm đẹp, hỏi rõ chuyên gia những vấn đề còn thắc mắc, đặc biệt về nguy cơ biến chứng. Sau quá trình can thiệp, cần theo dõi xa những vấn đề có nguy cơ gây tác động đến cơ thể.

"Đặc biệt không nên mua những sản phẩm làm đầy không rõ nguồn gốc trên mạng sử dụng. Không bao giờ tự ý đánh đổi sức khỏe của mình bằng việc tìm đến những cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép hoặc bác sĩ không có chuyên môn. Càng nên nói không với những địa chỉ tiêm không phải là cơ sở y tế mà là khách sạn hoặc nhà riêng. Chỉ nên sử dụng các chất làm đầy được FDA, Bộ Y tế cấp phép và cung cấp bởi các chuyên gia, công ty dược và nhà thuốc phân phối", bác sĩ Khương khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.