Tiềm năng phát triển nội dung số hoạt hình tại Việt Nam

07/06/2024 13:40 GMT+7

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về Phim và Công nghệ truyền hình tại Việt Nam (Telefilm 2024), Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn "Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình và cơ hội tại thị trường Việt Nam".

Diễn đàn đã cung cấp những thông tin, số liệu về xu hướng phát triển của hoạt hình quốc tế và Việt Nam trong những năm gần đây. Thông tin cho thấy hoạt hình là một lĩnh vực tiềm năng và Việt Nam có đủ năng lực để phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và phân phối nội dung hoạt hình, đặt dấu chấm trên bản đồ phim hoạt hình thế giới.

Tiềm năng phát triển nội dung số hoạt hình tại Việt Nam- Ảnh 1.

Diễn đàn "Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình và cơ hội tại thị trường Việt Nam" vừa được tổ chức tại TP.HCM

CTV

Tiềm năng của ngành hoạt hình được dự báo khá lạc quan. Theo trang MarketResearch.biz, năm 2023 thị trường ngành hoạt hình đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ với tổng doanh thu trị giá 412,96 tỉ USD và ước tính sẽ tăng lên 779 tỉ USD vào năm 2032. Riêng hoạt hình 3D ước đạt 47 tỉ USD vào năm 2030. Không nằm ngoài xu hướng quốc tế, ngành hoạt hình Việt Nam cũng bước vào sân chơi với sự tham gia tích cực của nhiều đơn vị cả trong và ngoài quốc doanh, hướng tới đưa sản phẩm hoạt hình góp phần đáng kể thúc đẩy công nghiệp phim hoạt hình, công nghiệp văn hóa nước nhà.

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA): “Hiện nay nước ta có khoảng 200 công ty, studio lớn nhỏ có thể tham gia hoạt động sản xuất phim hoạt hình ở các mức độ khác nhau. Năng lực sản xuất hoạt hình đạt những thành tựu đáng kể: Từ đảm nhiệm gia công sản xuất phim hoạt hình cho nhiều studio lớn trên thế giới, nhiều sản phẩm phim hoạt hình bom tấn của các nước cho đến tự xây dựng thương hiệu và sản xuất.

Ngoài ra, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình sản xuất hoạt hình đang cách mạng hóa ngành công nghiệp sáng tạo này. Các thuật toán được hỗ trợ bởi AI có thể giúp đẩy nhanh và hiệu quả việc sản xuất hoạt hình bằng cách lặp đi lặp lại các công việc như tạo khung xương cho nhân vật và biểu cảm khuôn mặt. Các thuật toán của AI cũng cho phép diễn hoạt ảnh thích ứng và phát triển dựa trên tương tác của người dùng, khiến chúng trở nên có tính tương tác và cá nhân hóa hơn.

Trong tương lai, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) sẽ cung cấp cho các nhà làm phim hoạt hình vô số lựa chọn để đa dạng hóa công việc và tham gia vào môi trường năng động của ngành. Công nghệ VR và AR đang phá bỏ rào cản giữa người xem và thế giới hoạt hình, mở ra những khả năng mới trong việc kể chuyện và thu hút khán giả.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng đã thảo luận chia sẻ về thách thức trong sản xuất nội dung và cách thức xây dựng chiến lược nội dung tại thị trường Việt Nam của các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và hoạt hình, mở ra những góc nhìn mới mẻ về ngành công nghiệp văn hóa trị giá hàng tỉ USD này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.