Từ ngày 16.12.2024 đến hết ngày 15.06.2025, triển lãm ảnh tranh tường được tổ chức ở bức tường tòa Tổng lãnh sự quán Mỹ trên đường Lê Duẩn, Q.1. Cuộc triển lãm do Phòng Nông nghiệp Đối ngoại thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thực hiện.
Nhân dịp này, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, chia sẻ về nỗ lực chung của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Mỹ-Việt.
Thành công trong mảng xuất khẩu nông sản song phương
"Chúng tôi đã đạt được một số thành công lớn trong vài năm qua. Chẳng hạn, bưởi Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và đã trải qua 10 tháng đầu năm đầy thành công (đạt doanh thu khoảng 5 triệu USD). Đây cũng là một trong những loại trái cây mà tôi ưa thích", bà Burns cho biết.
Và tháng 7 năm nay, quả đào và quả xuân đào của Mỹ cũng được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. "Đó quả là tin tức tuyệt vời vì chúng tôi thật sự thích quả đào. Vì thế thật vui khi chúng tôi được ăn quả đào của Mỹ ở Việt Nam", theo bà tổng lãnh sự.
Bà Tổng lãnh sự Mỹ đánh giá cao tiềm năng thúc đẩy hoạt động giao thương nông sản song phương trong thời gian tới. "Tôi cho rằng đó là sự bổ sung tự nhiên, chẳng hạn như những loại trái cây trồng ở Mỹ không trồng được ở Việt Nam. Bên cạnh đó là nhiều lợi ích về sức khỏe mà những loại quả anh đào, quả việt quất được chứng minh chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao", theo bà Burns.
Về nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ, phái bộ Mỹ tại Việt Nam làm việc với nông dân và các hiệp hội thương mại để giúp hiểu thêm về cách thức đưa nông sản đến Mỹ. Công tác kiểm định cũng được thực hiện tại Việt Nam trước khi sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ.
"Vì thế tôi vui mừng trước khả năng nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có tiềm năng tiếp cận được thị trường Mỹ, đặc biệt những loại trái cây nhiệt đới không thể trồng ở Mỹ", bà cho biết.
Dự án nông nghiệp thông minh ở ĐBSCL
Về những hoạt động phái bộ Mỹ đang triển khai nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất nông sản tại Việt Nam, bà Burns nhắc đến dự án hơn 4 triệu USD có tên "Sử dụng phân bón đúng". Thông qua dự án này, người nông dân biết cách sử dụng phân bón hiệu quả hơn và giảm nguy cơ ô nhiễm.
Bên cạnh đó, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Mỹ chuẩn bị đưa vào thực hiện dự án "Chương trình Nông nghiệp Thông minh trước Khí hậu" với kinh phí 40 triệu USD nhằm hỗ trợ nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi biết được nhiều nông dân buộc phải thay đổi phương thức trồng trọt (vì ảnh hưởng đến từ biến đổi khí hậu – NV). Vì thế dự án nhằm giúp đỡ người nông dân thực hiện việc chuyển đổi tốt hơn và tiến tới cải thiện đời sống. Dự án vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua và năm 2025 sẽ bước vào giai đoạn triển khai", Tổng lãnh sự Mỹ chia sẻ.
Bên cạnh vấn đề thuế quan đối với một số mặt hàng như thịt bò Mỹ, bà Burns đề cập một số vấn đề khác cần được giải quyết: đó là làm sao vận chuyển từ Việt Nam đến Mỹ và vẫn giữ được sự tươi ngon.
"Đây là vấn đề xung quanh chuỗi cung ứng lạnh vì hàng hóa được vận chuyển đường xa. Thông qua Bộ Nông nghiệp Mỹ, chúng tôi sẵn lòng cung cấp thêm lời khuyên cho các nông dân Việt Nam về việc vận chuyển nông sản an toàn và bền vững", Tổng lãnh sự Mỹ gợi ý.
Ông Andrew Anderson-Sprecher, Tùy viên Nông nghiệp cấp cao thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ TP. HCM, cũng đề cập tầm quan trọng của chuỗi cung ứng lạnh và cơ sở hạ tầng hậu cần giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt nhằm bảo đảm chất lượng an toàn của nông sản trong quá trình vận chuyển. Đó là lý do ông cho rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác song phương về lĩnh vực này.
Viễn cảnh hợp tác năm 2025
Bà Burns cũng chia sẻ về loại trái cây kế tiếp của Việt Nam có thể vào thị trường Mỹ. "Đó là chanh dây, loại trái cây tôi rất thích mà không trồng ở Mỹ. Chanh dây thực sự được xem là loại quả khá xa xỉ trên thị trường Mỹ do là trái cây nhiệt đới, và tôi rất hứng khởi nếu Mỹ có thêm loại quả này", theo bà tổng lãnh sự.
Bà cũng mong đợi có thể thưởng thức những loại trái cây đến từ Mỹ trong nhiệm kỳ ở Việt Nam. Đối với Tổng lãnh sự Mỹ, có những loại trái cây gắn liền với quê hương và sự hoài niệm về quê nhà. "Ông của tôi thường xuyên pha món nước làm từ trái đào khi tôi còn nhỏ. Mùi vị thật tuyệt vời. Còn quả anh đào gợi nhớ thời gian tôi ở Miami (bang Florida)", bà chia sẻ.
Theo bà, điều thú vị ít ai biết đến là người Mỹ vô cùng tự hào xuất thân từ nghề nông, tạo ra những mặt hàng nông sản đầy chất lượng và xuất khẩu, từ thịt bò, bông, thực phẩm đến rau quả. "Tôi cũng biết tầm quan trọng của nông nghiệp đối với người Việt, và dù Việt Nam thay đổi mạnh mẽ đến mấy nhưng vẫn giữ được cội nguồn nghề nông. Tôi cảm nhận được hai nước có nhiều sự tương đồng giữa hai nước về di sản nông nghiệp. Tôi rất thích những dịp trò chuyện trực tiếp với nông dân vừa qua và tôi hy vọng có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn nữa trong năm 2025", Tổng lãnh sự Burns cho biết.
Còn theo Tùy viên Anderson-Sprecher, quan hệ nông nghiệp giữa Mỹ và Việt Nam mang tính xây dựng và tiếp tục đạt được tiến triển để làm sâu sắc quan hệ thương mại song phương. Hai nước cũng triển khai nhiều chương trình trao đổi trong lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn như Cochrane Fellowship, Borlaug Fellowship và Fellowship Exchange Program, đưa chuyên gia Việt Nam đến Mỹ học tập kinh nghiệm.
Về tiềm năng mở rộng thị trường trong năm sau, Tùy viên Anderson-Sprecher cho biết các nhà sản xuất ở Mỹ xem Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam, là cơ hội tốt để mở rộng thị trường.
Năm 2025 sẽ diễn ra kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ, và ẩm thực, thực phẩm sẽ nằm trong lịch trình tổ chức các sự kiện, Tổng lãnh sự Burns cho hay: "Chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội lớn cho công chúng ở TP.HCM trong năm 2025, nhiều khả năng là vào tháng 5, hy vọng sẽ hợp tác với một số nhà hàng, nhà bán lẻ…Phần hay ho nhất sẽ là sử dụng nông sản Mỹ để chế biến các món ăn Việt Nam, và đó sẽ là biểu tượng tuyệt vời cho quan hệ thắt chặt của hai nước", bà kết luận.
Bình luận (0)