Tiêm vắc xin Covid-19 nên tự nguyện hay bắt buộc?: Đề xuất V2K thay thế 5K

06/06/2022 06:14 GMT+7

Liên quan thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế , không tập trung đông người, khoảng cách), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Y tế đang cùng các đơn vị liên quan xem xét vấn đề này.

5K được Bộ Y tế khuyến cáo trong phòng chống dịch Covid-19. Mới đây, khi dịch Covid-19 được kiểm soát với số ca nhiễm mới liên tục giảm, ca tử vong hầu như không ghi nhận, để đảm bảo thích ứng linh hoạt, từ tháng 3 - 4 vừa qua, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tạm dừng thực hiện 3K (khai báo y tế, khoảng cách, không tập trung đông người).

Theo các chuyên gia, đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa lây lan các bệnh lây qua đường hô hấp gây dịch chứ không chỉ riêng Covid-19

Nhật Thịnh

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay: “Từ khi bùng phát dịch Covid-19, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Nhưng với 3K đang tạm dừng, hiện thực chất chỉ còn thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn)”.

Chia sẻ về “cắt giảm” 3 tiêu chí trong khuyến cáo 5K và việc áp dụng các biện pháp phòng dịch cần thực hiện, một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Cùng với khuyến cáo 5K đầu vụ dịch và hiện đang là 2K, thì việc bao phủ vắc xin Covid-19, việc tiêm vắc xin Covid-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh và duy trì thành quả kiểm soát dịch. Do đó, tại thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát trên cả nước, Bộ Y tế đã đề xuất thực hiện: vắc xin, khẩu trang, khử khuẩn, viết tắt là V2K, và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, sớm trình Chính phủ”.

“Tuy nhiên, việc thực hiện các khuyến cáo mới này sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Thông điệp 5K và vắc xin vẫn được khuyến cáo áp dụng trở lại nếu xuất hiện biến chủng mới, dịch bùng phát trở lại”, vị lãnh đạo này lưu ý.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng khẩu trang không hề tốn kém nhưng đó là thói quen giúp ngăn ngừa lây lan các bệnh lây qua đường hô hấp gây dịch như cúm, sởi chứ không chỉ riêng Covid-19; hoặc trong đời sống, đeo khẩu trang cũng giúp người dân giảm bớt tiếp xúc khói bụi từ môi trường. Ngoài ra, khử khuẩn (tay, bề mặt, các vật dụng...) rất hiệu quả trong phòng chống các bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc, các bệnh qua đường tiêu hóa do vệ sinh không đảm bảo, ví dụ như tay chân miệng; chống nhiễm khuẩn chéo...

Cùng quan điểm với PGS-TS Trần Đắc Phu, một chuyên gia dịch tễ cho rằng: “2K nên được khuyến cáo lâu dài, bảo vệ sức khỏe cộng đồng với nhiều bệnh khác chứ không chỉ với riêng Covid-19. Tại thời điểm hiện nay, với riêng Covid-19, khuyến cáo thực hiện V2K như Bộ Y tế đang đề xuất là hợp lý”. Đồng thời chuyên gia này nói thêm: “Cơ quan y tế khuyến cáo và đưa ra hướng dẫn chuyên môn, nhưng thành công và hiệu quả thì phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân. Như vừa qua, khi dịch bùng phát, 5K và vắc xin đã được người dân đồng lòng. Với diễn biến mới của dịch, mỗi người vẫn cần thực hiện đầy đủ để bảo vệ mình và người thân, cộng đồng, không nên lơ là, chủ quan”.

Lợi ích của 5K

Nói về việc có nên giữ 5K hay không, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, 5K là tốt, giúp bảo vệ cá nhân nhưng không nên bắt buộc, vì sẽ gây ảnh hưởng đến việc lưu thông đang bình thường của người dân.

“Nhưng ở góc độ y tế công cộng, chúng tôi vẫn khuyên người dân thực hiện 5K. Nhờ 5K mà thời gian qua giúp giảm nhiều loại bệnh như hen suyễn, cúm, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Nếu cá nhân không tự bảo vệ mình thì sẽ bị bệnh. Nếu khuyên không được, thì mới tính đến việc cấm đoán, nhưng chỉ nên cấm đoán khi nó ảnh hưởng đến người khác”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.

Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.