Tiệm vàng tuyên bố vỡ nợ, 80 người 'gửi tiết kiệm' khó đòi lại 30 tỉ đồng?

21/04/2018 18:23 GMT+7

'Khi tiệm vàng Phúc Nhiên vỡ nợ, đồng nghĩa với việc 80 nạn nhân "gửi tiết kiệm" đòi 30 tỉ đồng là quá trình nan giải, người dân chỉ còn trông mong vào kết quả xử lý của cơ quan chức năng'.

Đó là ý kiến của các chuyên gia pháp lý về vụ việc hơn 80 người dân gửi đơn đến Công an H.Yên Thành (Nghệ An)  tố cáo chủ tiệm vàng Phúc Nhiên (ở xã Bảo Thành, H.Yên Thành) chiếm đoạt của họ 30 tỉ đồng.
Như Thanh Niên đưa tin, từ năm 2015, tiệm vàng Phúc Nhiên vận động người dân gửi tiền tiết kiệm với lãi suất 7,5%/năm. Sau khi gửi tiền, chủ tiệm cấp cho người gửi một sổ tiết kiệm do tiệm tự in. Gần đây, chủ tiệm vàng Phúc Nhiên tuyên bố vỡ nợ, hàng chục người kéo đến tiệm vàng đòi nợ nhưng không được.
Qua vụ việc này, luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định hoàn thiện để xử lý triệt để khi xảy ra vấn đề vỡ nợ. Do tâm lý cả tin và chạy theo đám đông nên một số người gặp nhiều rủi ro khi giao dịch tiền bạc với những người kinh doanh trái pháp luật. Khi tiệm vàng Phúc Nhiên vỡ nợ, đồng nghĩa với việc đòi lại được tiền là quá trình nan giải, người dân chỉ còn trông mong vào kết quả xử lý của cơ quan chức năng.
Mức án cao nhất là chung thân
LS Huỳnh Công Thư (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết hành vi nhận tiền gửi của khách, cấp sổ tiết kiệm tự in và trả lãi hàng tháng của chủ tiệm vàng Phúc Nhiên thực chất là hành vi cung cấp dịch vụ ngân hàng, huy động vốn trái phép, bị cấm theo qui định của pháp luật về ngân hàng.
Theo LS Thư, trên nguyên tắc, chỉ có các tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp theo qui định của Luật tổ chức tín dụng, có giấy phép mới được huy động vốn và nhận tiền gửi khách hàng. Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng với mức án cao nhất là 20 năm tù. Tuy nhiên hành vi huy động vốn trả lãi suất xảy ra trước ngày 1.1.2018 nên không được áp dụng BLHS 2015 do nguyên tắc bất hồi tố (tức là luật hình sự hiện có hiệu lực không xử ngược trở lại các tội danh mà bộ luật hình sự có hiệu lực trước đó không coi đó là một tội hay thuộc dạng tội khác với khung hình phạt khác - PV).
Tuy nhiên, LS Thư nhấn mạnh hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17.10.2014. Theo đó, mức phạt là từ 150 triệu đến 200 triệu đồng qui định tại Khoản 2 Điều 12 NĐ nêu trên.
Đối với hành vi tuyên bố vỡ nợ và không tiếp tục trả nợ gốc lãi theo đúng cam kết với khách hàng, LS Thư cho rằng tùy mục đích chiếm đoạt có trước hay sau khi nhận được tiền mà cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xác định là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
"Nếu chủ tiệm vàng không có ý định chiếm đoạt từ trước khi nhận tiền mà chỉ sau khi nhận được tiền rồi lòng tham nổi lên tuyên bố vỡ nợ không trả, lại không chứng minh dùng tiền làm gì và thua lỗ thật do làm ăn thì chủ tiệm vàng có thể sẽ bị khởi tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Điều 140 BLHS 1999 có mức hình phạt cao nhất là chung thân", LS Thư phân tích.
Biết không được huy động tiền gửi nhưng vẫn làm
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là việc tuyên bố vỡ nợ sau khi huy động hơn 80 hộ dân gửi hơn 30 tỉ đồng của bà chủ tiệm vàng Phúc Nhiên có được miễn trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành hay không, LS Trang nhấn mạnh sẽ không được miễn trừ trách nhiệm hình sự.
LS Trang phân tích, ngay từ đầu chủ tiệm vàng đã biết mình không được phép huy động tiền gửi nhưng vẫn cố tình triển khai, chủ tiệm vàng tạo niềm tin, làm cho người gửi tiền tin vào tiềm lực tài chính (vì có tiệm vàng) và ban đầu trả gốc, lãi đầy đủ để tạo tin tưởng cho khách hàng gửi nhiều hơn rồi chiếm đoạt. Các việc làm này thể hiện chủ tiệm vàng Phúc Nhiên đã chủ động tính toán, dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu, rồi chủ tiệm vàng này bất ngờ tuyên bố vỡ nợ. Như vậy hoàn toàn đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ tiệm vàng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS 2015 khung hình phạt cao nhất là chung thân. 
Cả hai tội danh nói trên đều qui định người phạm tội bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng. Về mặt trách nhiệm dân sự thì phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.