Tiền ảo đang trở thành kênh rửa tiền, tài trợ khủng bố

22/12/2021 06:42 GMT+7

Tiền ảo đang bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố do có thể chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền sạch

Báo cáo tại hội nghị “Phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại VN”, do Bộ Công an tổ chức hôm qua 21.12, trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), cho biết: “Năm 2021, Bộ Công an ghi nhận 8 triệu cảnh báo tấn công mạng với 2.763 cuộc tấn công nhằm vào trang, cổng thông tin điện tử trong nước (tăng 26% so với năm 2020)”.

Đáng chú ý, năm 2021, qua kiểm tra tại 26 cơ quan, đơn vị địa phương, Bộ Công an phát hiện nhiều hệ thống thông tin mạng của các đơn vị tồn tại những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, bị tấn công bằng nhiều mã độc, phần mềm gián điệp nguy hiểm. Bộ Công an đã phát hiện 30 vụ lộ, mất bí mật nhà nước với 220 đầu tài liệu. Một số ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 có nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân.

Tại hội nghị, ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho biết từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý 427 báo cáo giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu đánh bạc và tổ chức đánh bạc với nhiều cá nhân có liên quan. Cũng trong giai đoạn này, Cục Phòng, chống rửa tiền đã tiếp nhận hàng trăm giao dịch đáng ngờ liên quan hoạt động chuyển tiền quốc tế ra/vào VN.

Đáng chú ý, trong nhiều vụ lừa đảo, các đối tượng đã chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua, bán tiền ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo (Huobi; Binance) rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt. “Tiền ảo có thể là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố do có thể chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền sạch”, ông Phong đánh giá.

Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, khó khăn lớn nhất của lực lượng công an hiện nay là các vấn đề về quản lý nhà nước trên không gian mạng đã được luật An ninh mạng đặt ra nhưng hướng dẫn chưa đầy đủ hoặc chưa rõ ràng, tình trạng phát hành tràn lan sim khuyến mãi, sim rác của các nhà mạng cùng với việc lỏng lẻo trong quản lý thuê bao diễn ra phổ biến. Mặt khác các ngân hàng cho đăng ký mở tài khoản trực tuyến đã tạo ra nhiều lỗ hổng trong xác thực thông tin khách hàng, là những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ… Theo ông Quang, chỉ riêng tiền ảo đã cho thấy các hình thức đấu tranh với tội phạm khủng bố, rửa tiền trước đây đã trở nên lạc hậu khi hiện nay tội phạm có thể “dễ dàng chuyển hàng triệu USD thông qua tiền ảo và ví điện tử”.

Ông Quang cho biết các đối tượng đã chuyển tiền thật thành tiền ảo nhưng việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn. “Tiền ảo không được nhà nước công nhận nên phải xử lý như thế nào trong khi về hình thức nào đó thì đó là tiền của bị hại, của người dân”, ông Quang nói và đề nghị có quy định về thu giữ chuyển đổi tiền ảo trong các vụ án để thu hồi tiền thật về cho nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.