Tiền 'ảo' tại Mỹ hứa hẹn bùng nổ

28/12/2024 07:00 GMT+7

Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump được kỳ vọng sẽ mang lại chính sách thân thiện với giới kinh doanh và đầu tư tiền "ảo".

Các doanh nghiệp tiền "ảo" (tiền điện tử, tiền kỹ thuật số) đã chi ra khoảng 130 triệu USD để ủng hộ các ứng viên có lập trường ủng hộ tiền điện tử chạy đua vào quốc hội, cũng như những tỉ phú trong ngành này sẵn sàng chi đậm để đưa ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vừa qua. Giờ đây, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiền điện tử đang kỳ vọng sự thay đổi trong chính sách và cơ chế pháp lý để tạo đòn bẩy đưa ngành phát triển.

Tiền 'ảo' tại Mỹ hứa hẹn bùng nổ- Ảnh 1.

Ông Donald Trump phát biểu tại sự kiện Bitcoin 2024 ở bang Tennessee (Mỹ) hồi tháng 7

Ảnh: Reuters

Cần đạo luật toàn diện cho tiền "ảo"

Ngày 26.12, tờ The Hill dẫn lời ông Kristin Smith, Tổng giám đốc Hiệp hội Blockchain - tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ thúc đẩy các chính sách đổi mới sáng tạo cho tài sản kỹ thuật số, nhận định với một quốc hội và tổng thống ủng hộ tiền điện tử vào năm tới, các mảnh ghép đã sẵn sàng để Washington đưa ra những chính sách thông minh, bao gồm luật về cấu trúc thị trường và đảm bảo đồng tiền ổn định.

Đã có một số dự luật tiền điện tử toàn diện được đưa ra thảo luận tại quốc hội Mỹ trong những năm gần đây. Trong đó, các doanh nghiệp đặc biệt mong chờ quốc hội có thể thông qua Đạo luật Đổi mới tài chính và công nghệ cho thế kỷ 21 (FIT21). Dự luật này mang đến các cơ chế bảo vệ cho ngành tiền điện tử, cũng như vạch ra ranh giới về thẩm quyền mà Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) cùng Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) có thể can thiệp. Hồi tháng 5, FIT21 đã trở thành dự luật quan trọng về tiền "ảo" đầu tiên được Hạ viện Mỹ thông qua, song không được Thượng viện đưa ra bỏ phiếu.

Ngoài ra, giới lãnh đạo tiền điện tử cũng tích cực vận động để ông Donald Trump trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ có thể đưa ra một sắc lệnh hành pháp có lợi. Các động thái lựa chọn nhân sự của ông Trump trong thời gian qua đã mang đến tâm lý lạc quan trong ngành. Một trong số đó là việc chọn cựu ủy viên SEC Paul Atkins trở thành lãnh đạo mới của cơ quan này. "Ông Atkins nhận thức được tài sản kỹ thuật số và các sáng kiến khác đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nước Mỹ vĩ đại hơn bao giờ hết", ông Trump nói. Tổng thống đắc cử Mỹ hôm 22.12 cũng tuyên bố thành lập "hội đồng tiền điện tử", theo một trong những ưu tiên được ông Kristin Smith đề cập trong thư gửi ông Trump và các nghị sĩ quốc hội.

Nga dùng bitcoin thanh toán quốc tế để đối phó cấm vận của phương Tây

Thay đổi bộ máy SEC

Một trong những lực cản đối với giới tiền điện tử tại Mỹ những năm qua đến từ Chủ tịch SEC Gary Gensler, người có lập trường cứng rắn và muốn áp dụng các cơ chế kiểm soát tài sản kỹ thuật số. Trong năm 2025, các doanh nghiệp tiền điện tử kỳ vọng có thể thúc đẩy giới chức Washington hủy bỏ hướng dẫn của SEC, được ban hành năm 2022. Theo đó, SEC quy định các công ty tài chính nếu có nhận bảo vệ tiền điện tử của khách hàng thì phải kê khai đó là khoản nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán và tiết lộ một số thông tin nhất định.

Giới tiền điện tử đã kịch liệt phản đối quy định trên, coi đây là hành động ngăn cản các định chế tài chính tiếp cận tiền điện tử của khách hàng và ảnh hưởng đến các bên cho vay, trong khi làm khó các cá nhân muốn gửi tiền cho các công ty lớn để đảm bảo an toàn. Quốc hội từng thông qua nghị quyết yêu cầu hủy bỏ hướng dẫn của SEC vào tháng 5, tuy nhiên đã bị Tổng thống Joe Biden phủ quyết. Mọi chuyện dự kiến thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cho giới tiền điện tử khi ông Gensler sẽ từ chức vào tháng 1.2025 và ông Atkins kế nhiệm. "Cuộc chiến chống tiền điện tử tại Mỹ do SEC dưới thời ông Gensler lãnh đạo đã kết thúc, qua đó hy vọng sẽ tạo được mối quan hệ lành mạnh giữa ngành và cơ quan quản lý tài chính", theo lời Giám đốc pháp lý Stuart Alderoty từ Ripple, doanh nghiệp về tiền điện tử hàng đầu tại Mỹ.

Lời hứa Bitcoin "Made in USA" khó thực hiện ?

Tờ The Independent ngày 26.12 đưa tin Tổng thống đắc cử Donald Trump từng cam kết toàn bộ Bitcoin còn lại đều sẽ được khai thác tại Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố này trên thực tế gần như bất khả thi do blockchain là mạng lưới phi tập trung và không ai bị cấm tham gia. Do đó, hoạt động "đào" những Bitcoin còn lại có thể là sân chơi của các nhà tài phiệt tại nhiều nước. Hiện có khoảng 95% trong số 21 triệu Bitcoin đã được khai thác.

Đào Bitcoin khiến máy móc tiêu hao nhiều năng lượng và chi phí điện cao tại Mỹ có thể là một yếu tố đáng cân nhắc. Trong khi đó, nguồn năng lượng giá rẻ như ở châu Phi có thể tạo biên lợi nhuận lớn hơn khi khai thác Bitcoin tại đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.