“Hàng cây không biết sự tình/ Giọt sương đã đổi dạng hình bóng mây” (Đoàn Vị Thượng).
1. Bạn đã đổi dạng qua một thế giới khác. Tôi vẫn ở đang ở thế giới này - thế giới của tình bạn mà chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm, từ cái thuở mới tập tễnh chân ướt chân ráo vào làng văn nghệ: “Lang thang từ độ vào đời/Thơ ai đem bán ai mời ai mua?” (thơ tôi viết tặng Đoàn Vị Thượng năm 1989). Cứ thế, chúng tôi nắm tay nhau, bước tới.
Năm 1988, tôi cùng Đoàn Vị Thượng, Phan Thị Nguyệt Hồng in chung tập thơ, lấy tên 3 tác giả làm nhan đề, NXB Trẻ, anh Đinh Tiến Luyện vẽ tặng tranh màu nước làm bìa 1, anh Nguyễn Trung tặng tranh bút sắt làm bìa 4. Rồi tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao của tôi, in năm 1989, bạn viết Tựa là dấu vết của ngày tháng còn thuộc làu thơ Huy Cận, Thế Lữ, Xuân Diệu... và hăm hở phấn đấu theo.
Ối dào, cái thuở còn trẻ trung, máu nóng còn bốc đầu, sức còn khỏe như voi, cả hai cặp kè như hình với bóng. Là những lúc đi chơi về khuya, khẽ khàng, nhẹ nhàng leo lên sân thượng nhà bạn chong đèn làm thơ, đọc cho nhau nghe, lúc buông bút đã nghe gà gáy sáng. Là những đêm khuya mưa trút, ngồi bên đường ray xe lửa Phú Nhuận cùng ngổn ngang chai bia Chương Dương, Hải Âu nghe bạn đọc Giọng Huế của mạ. Đã lần đầu nghe bài thơ này do chính bạn đọc. Nay mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn hình dung ra gương mặt bạn nhòe nước. Mưa hay nước mắt hỡi bạn mình ơi?
Là bấy giờ, tôi đã đi làm báo, những lần phóng chiếc xe máy cà tàng ra ngoại thành lấy tin là phía sau luôn có bạn, đi chung cho ngắn lại đường dài. Là những lúc nổi hứng không về nhà, đêm hôm khuya khoắt cả hai đập cửa nhà anh Nguyễn Thái Dương, Ngô Nguyên Nghiễm… xin ngủ nhờ. Một phần cũng vì ám ảnh bởi câu thơ của Huy Cận: “Trốn tránh bơ vơ chạy ngủ lang”. Thú vị làm sao. Ấy là thời gian mê thơ, say mê làm thơ đến đắm đuối. Hồn nhiên và trong sáng biết bao nhiêu.
2. Bấy giờ, cả hai gắn bó với nhau như hình với bóng. Còn nhớ năm 1990 khi NXB Trẻ thành lập Tủ sách Áo Trắng, chuyên in những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn, tôi và bạn đã “ký giao kèo” thi đua nhau ai hoàn thành trước. Tôi viết truyện dài Sân trường kỷ niệm, bạn viết Môi nào hãy còn thơm, nhan đề này là do bạn quá thích ca từ Trịnh Công Sơn, khi biên tập anh Đào Hiếu chỉ giữ lấy Môi thơm. Hai tập sách in ra, chúng tôi thưởng cho nhau bằng những cuộc lai rai bất tận, thường mời thêm các anh Nguyễn Thái Dương, Đoàn Thạch Biền... chung vui.
Rõ ràng, chơi với nhau không chỉ là chơi, còn là khích lệ nhau viết. Nghĩ cho cùng đây cũng là may mắn cho cả hai.
Có một điều lấy làm lạ, không hiểu do cơn cớ gì, về sau, dù vẫn viết nhưng bạn không thích tuyển lại in thành sách. Năm 1996, lúc anh Nguyễn Liên Châu mở Tủ sách Hoa Niên (NXB Đồng Nai) chuyên in thơ thiếu nhi, nhiều lần giục đưa bản thảo nhưng bạn chỉ ậm ừ rồi quên béng đi. Mà, thơ thiếu nhi của bạn in Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ khá nhiều. Mới đây, khi đọc tập tuyển Thơ Đoàn Vị Thượng (NXB Hội Nhà văn - 2020) không có một bài nào, kể ra cũng tiếc.
Đã thế, bạn không có thói quen giữ lại những gì đã in. Thậm chí có lúc ký bút danh khác cho vui cái sự đời, chẳng hạn bài tứ tuyệt mà tôi còn nhớ Đi ngang qua nhà người yêu cũ, ký Đỗ An, tức đảo ngược tên thật là Đoàn: “Có con chim nhỏ/Hót mãi bên hè/Gã tình nhân mới/Biết gì mà nghe”. Bài này từng đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ của tập san Áo Trắng.
3. Những năm tháng về sau này, thơ của bạn có xu hướng, nói theo triết lý nhà Phật là nhìn thấy cuộc đời này “vô thường”, “sắc sắc không không”... Loạt thơ này báo hiệu sự thay đổi của bạn từ bút pháp đến tư tưởng của thơ mà bạn đang hướng tới. Trong đó có bài Cuộc lữ, theo anh Nguyễn Nhật Ánh là bạn “đã đi một bước dài”.
Nay trong đời thường, với một “bước dài” cuối cùng, bạn đã đến nơi khác, nói như bạn Trương Nam Hương: “Người đi vào cõi vô cùng/Nắng mưa cũng tạnh, bão bùng cũng ngơi/Cỏ xuân quấn quýt bên người/Anh thanh thản nhé… hương trời ngát thơ”. Vâng, nhẹ nhàng và siêu thoát bởi bạn đã từng tự nhủ đời mình: “Đến mùa thì nở/Hết mùa thì đi”. Bạn ơi, Q. tiễn đây.
Bình luận (0)