Tiễn biệt chủ phòng trà Tiếng Xưa: ‘Để thiếp theo chàng mấy dặm khơi…’

21/09/2024 19:36 GMT+7

Tin chị Xuân Hòa (chủ phòng trà Tiếng Xưa) vừa đột ngột từ trần đã gây sốc cho giới nghệ sĩ TP.HCM, bởi cách đây không lâu, chồng chị là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cũng đã qua đời…

Lần đầu tôi gặp chị Xuân Hòa cách đây khoảng 10 năm. Đó là đêm biểu diễn ca nhạc của một nhóm thân hữu ở phòng trà Tiếng Xưa (phòng trà này đã nhiều lần thay đổi địa điểm). Bạn tôi giới thiệu tôi với chủ nhân phòng trà. Chị nắm tay tôi lắc lắc, thân mật: "Chị có đọc nhiều bài viết về văn nghệ sĩ của em. Rất thích!". Từ đó, tôi và vợ chồng chị trở nên thân thiết, không chỉ gặp gỡ ở phòng trà mà còn ở nhà các thân hữu hoặc gặp tình cờ ở các quán cà phê. Bao giờ cũng vậy, gặp nhau là "tay bắt, mặt mừng" chuyện trò rôm rả. Anh chị luôn coi tôi như một người em, một người bạn nhỏ. Ngoài những lần gặp gỡ trực tiếp, tôi và chị Xuân Hòa còn thường xuyên trao đổi qua Facebook, tình chị em càng thêm thương mến…

Tiễn biệt chủ phòng trà Tiếng Xưa: ‘Để thiếp theo chàng mấy dặm khơi…’- Ảnh 1.

Chị Xuân Hòa thời trẻ

Ảnh do nhạc sĩ Trường Kỳ chụp

Chị Đinh Thị Xuân Hòa sinh năm 1950, trong một gia đình gốc Bắc khá giả và trí thức tại Sài Gòn. Ngoài người anh cả đã từ trần (trước 1975), 3 chị em gái kế nhau rất mê âm nhạc, nhất là loại nhạc thời thượng được định danh là "nhạc trẻ". Dạo ấy, đầu thập niên 1970, phong trào nhạc trẻ mới du nhập vào miền Nam. Mỗi lần có đại hội nhạc trẻ tổ chức ở sân trường Lasan Taber hoặc ở sân vận động Hoa Lư là chị em cô không thể vắng mặt. Từ đó, họ quen biết và chơi thân với những nghệ sĩ – nhạc sĩ trụ cột của nhạc trẻ Việt Nam: Trường Kỳ, Nam Lộc, Kỳ Phát, Tùng Giang, Đan Thành (con nhạc sĩ Đan Thọ), Quang Tuấn, Cao Hành, Trung Giảng, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Vũ Xuân Hùng, ca sĩ Thanh Lan, ca sĩ Elvis Phương, ca sĩ Paolo và cả "bố già" Phạm Duy…

Vợ chồng nhạc sĩ Xuân Hùng - Xuân Hòa

Vợ chồng nhạc sĩ Xuân Hùng - Xuân Hòa

ẢNH: T.L

Mỗi lần cà phê với cặp Vũ Xuân Hùng – Xuân Hòa, chị thường kể cho tôi nghe về cái thời "Hippy choai choai" của nhóm họ, chị gọi nhạc sĩ Trường Kỳ là "Hippy Chúa". Mỗi khi Trường Kỳ hết tiền là kéo cả nhóm về quán cơm Bắc ở cuối con hẻm đường Nguyễn Huệ, quán này có tên đàng hoàng nhưng Trường Kỳ lại đặt tên là quán Bà Cả Đọi. Bà chủ quán thích cái tên này lắm và rất thương Trường Kỳ, sẵn sàng cho "Hippy Chúa" ghi sổ nợ, trong nhóm có Jo Marcel (chủ nhà hàng Key Hold, đường Hai Bà Trưng) và Nam Lộc (chủ nhà hàng Hầm Gió, đường Võ Tánh) ham vui với bạn bè nên thường đến đây, và cũng để tìm lại những món ăn dân dã đậm hương vị đất Bắc: cà pháo mắm tôm, canh riêu cua, thịt đông dưa chua, trứng đúc… Từ những ngày rong chơi cùng âm nhạc đó mà sau này Xuân Hòa đã bén duyên trăm năm với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng còn Trường Kỳ trở thành chồng của Thu Huyền (em gái Xuân Hòa).

Xuân Hòa và Thu Huyền (phải) thời trẻ

Xuân Hòa và Thu Huyền (phải) thời trẻ

ẢNH: T.L

Còn một cô em khác lấy chồng là Cao Thiên San (Sam Cao) cũng rất gắn bó với âm nhạc. Ông là người đầu tiên đưa cây đàn organ Yamaha từ Nhật Bản về Việt Nam và cũng là người mang cây đàn piano Grand dài gần 5m từ Nhật Bản về để cho nghệ sĩ Đặng Thái Sơn biểu diễn năm 1996.

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng có một biệt tài về âm nhạc. Anh vốn là giáo sư ngoại ngữ và triết học của nhiều trường ở Sài Gòn trước 1975. Với vốn liếng ngoại ngữ của mình (Anh, Pháp, Ý, Nhật…), anh đã chuyển ngữ hơn 100 ca khúc ngoại quốc sang lời Việt. Điều đáng nói là anh dịch sát với nguyên tác chứ không đặt lời mới, cho nên người hát và người nghe đều "cảm" được cái hồn của ca khúc. Các ca khúc đã được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ đặc sắc như: Búp bê không tình yêu (Poupée de cire, poupée de son), Em đẹp như mơ (Elle Etait Si Jolie), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza), Lãng du (La Ventura), Anh thì không (Toi Jamais), Hôm nay không sữa (No Milk Today)…

Cầu nối để nhiều văn nghệ sĩ về nước biểu diễn

Từ khi cặp đôi Vũ Xuân Hùng – Xuân Hòa trở thành vợ chồng, họ quấn quýt bên nhau, đi đâu cũng có đôi. Năm 2007, họ mở phòng trà Tiếng Xưa. Vợ điều hành, chồng làm MC. Anh cố vấn cho chị nên mời nghệ sĩ nào, ca khúc nào hợp với chất giọng của ca sĩ A, ca sĩ B… còn chị "một tay gầy dựng cơ đồ", chị biến Tiếng Xưa thành nơi để các ca nhạc sĩ hải ngoại về giao lưu và biểu diễn lần đầu tiên. Chuyện không dễ, phải lập kế hoạch rồi các thủ tục, giấy phép rất nhiêu khê nhưng rồi nhờ uy tín của mình đối với các lãnh đạo ngành văn hóa của TP.HCM và trung ương, chị đã là cầu nối để rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được phép về nước biểu diễn: Phạm Duy, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Hương Lan, Anh Khoa, Cao Thái (Mexicxo), Bạch Yến, Bích Chiêu, Ý Lan, Tuấn Ngọc, Từ Công Phụng, Vũ Khanh, Randy, Nhật Hạ, Phương Hồng Ngọc, Quang Thành, Kim Anh, Tuấn Vũ, Tuấn Anh, Trịnh Nam Sơn, Anh Dũng, Quang Toàn, Jenny Trang…

Anh chị Xuận Hòa - Vũ Xuân Hùng (ngồi) người viết và ca sĩ Paolo (đứng)

Anh chị Xuân Hòa - Vũ Xuân Hùng (ngồi) và người viết cùng ca sĩ Paolo (đứng, đeo kính)

ẢNH: T.L

Không chỉ tạo điều kiện để các nghệ sĩ ở hải ngoại được tái ngộ khán giả trong nước, Tiếng Xưa còn là nơi giới thiệu những giọng ca "nội" đang được khán giả yêu mến: Đăng Vũ, Ana Long, Cindy Trần, Vi Châu, Lê Nguyễn, Hoàng Đạo, Mặc Duy Thắng, Hoàng Linh, Hoàng Thanh, Khánh Vinh, Duy Sang, Quế Nương, Khánh Hưng, Nhân Phượng, Tuyết Mai, Hà Thanh Trúc, Khởi My, Xuân Nghi, Khánh Bình, Hoài Lâm…

Trên sân khấu Tiếng Xưa, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã dựng những vở nhạc kịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới như: Bóng ma trong rạp hát (The Phantom of the Opera), Người tình nữ khóc than (La Llorona), Hòn vọng phu, Chuyện tình Lan và Điệp, Trương Chi – Mỵ Nương, Lưu Nguyễn lạc thiên thai, Trầu Cau… Cũng tại Tiếng Xưa, lần đầu tiên cải lương được đưa vào phòng trà với sự góp mặt của các tên tuổi: Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Chí Tâm, Phượng Mai, Tài Linh, Quế Trân, Kim Tử Long…

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, chị Xuân Hòa còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Chị tham gia vào nhóm "Vòng tay nhân ái" cùng với các ca sĩ Khánh Ly, Quang Thành, Paolo… đến với các học sinh thiểu số tại Nhà Lưu trú Sắc tộc (Buôn Ma Thuột), Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa)…

14 năm hoạt động, Tiếng Xưa nổi lên như một địa chỉ văn hóa uy tín và đã góp một phần không nhỏ vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật "chất lượng cao" của thành phố. Vậy rồi, đại dịch Covid-19 ập đến, Tiếng Xưa phải đóng cửa (2021)… Rồi người chồng thân yêu của chị đổ bệnh với nhiều chứng như: suy thận, suy tim… và anh đã từ biệt chị để đi vào thiên thu ngày 1.5.2024.

Sự ra đi của anh đã làm chị suy sụp, sức khỏe chị sút giảm thấy rõ. Trên trang cá nhân của chị, bạn bè thường đọc thấy những lời thương nhớ người chồng vừa khuất bóng. Nhiều người khuyên chị nên đi chơi, đi cà phê cho khuây khỏa, chị cũng đã nghe lời… Những ngày qua, do cảm mưa mà chị bị khó thở phải cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Rồi chị đã sum họp với người chồng thân yêu vào lúc 22 giờ 15 ngày 20.9, thọ 75 tuổi.

Ca sĩ Nhật Hạ bày tỏ: "Hạ nghĩ, có lẽ chị Xuân Hòa quá yêu anh Vũ Xuân Hùng, chị không vượt qua được sự mất mát lớn lao ấy nên đi theo anh. Thật là đau xót, thương tiếc chị…".

(*) Tựa bài viết lấy một câu trong bài thơ Khóc nàng Mỵ Ê của Tản Đà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.