Cổ phiếu, bất động sản hút vốn
Theo số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán, tính đến hết tháng 2 vừa qua, số tài khoản chứng khoán trên thị trường đạt hơn 2,91 triệu tài khoản. Như vậy, tổng cộng có hơn 144.000 tài khoản mới được mở trong 2 tháng đầu năm nay, bằng 36% lượng tài khoản mở mới của cả năm 2020.
Còn thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho thấy thanh khoản thị trường tháng 1 tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt gần 16.800 tỉ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 739 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 34,97% về giá trị và 25,01% về khối lượng bình quân so với tháng cuối năm 2020.
Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên đầu tư Trường Doanh nhân Bizlight, nhận xét dòng tiền lớn từ các tổ chức, quỹ đầu tư vẫn luôn phân chia vào nhiều kênh đầu tư khác nhau trong đó dẫn đầu là trái phiếu, sau đó là cổ phiếu và bất động sản (BĐS). Riêng dòng tiền từ NĐT cá nhân thì phân bổ thêm vào cả kênh tiền số.
“Cổ phiếu hay BĐS đều vẫn hút tiền đầu tư nhưng chưa mạnh như cuối năm vừa qua. Thanh khoản trên thị trường trong tháng 2 và tháng 3 lại giảm hơn so với tháng đầu năm cho thấy nhiều NĐT cũng ngập ngừng. Chứng khoán hay thị trường BĐS năm nay đều sẽ có sự phân hóa mạnh, nên NĐT phải có sự chọn lọc kỹ hơn. Riêng vàng đã ít được quan tâm hơn. Chẳng hạn số lượng người hỏi thăm tôi việc đầu tư vào vàng hiện nay đã giảm hơn 90% so với năm trước”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ thêm.
Lãi suất trái phiếu Doanh nghiệp áp đảo Ngân Hàng
Trong khi lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng hiện ở mức 5 - 5,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng thì kênh đầu tư trái phiếu với lãi suất 8 -12%/năm hấp dẫn hơn hẳn. Điều này lý giải vì sao lượng vốn chảy vào trái phiếu doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng.
Theo Hiệp hội Trái phiếu VN, tính chung trong 2 tháng đầu năm nay, trên thị trường có 12 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với tổng giá trị 7.564 tỉ đồng và 6 đợt phát hành trái phiếu DN ra công chúng với giá trị 4.134 tỉ đồng. Trong đó các DN BĐS chiếm 7.291 tỉ đồng, tương đương 62% giá trị phát hành. Lãi suất của trái phiếu DN hiện đều cao gấp đôi lãi suất gửi tiết kiệm.
Chẳng hạn, Công ty CP đầu tư thương mại Gia Khang đã phát hành thành công 1.500 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, lãi suất trong 4 kỳ trả lãi đầu tiên 11%/năm, những kỳ còn lại tính lãi suất dựa trên lãi tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong cộng với biên độ 4%; Công ty CP Sunshine AM phát hành 400 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 11%/năm; Công ty TNHH đầu tư BĐS du lịch Hoàng Trường phát hành 1.400 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 9,3%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên; Công ty TNHH đầu tư Phú Thịnh Phát phát hành 900 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 9,2%/năm; Công ty CP kinh doanh và đầu tư Bình Dương phát hành 237 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất huy động tiết kiệm trung bình của một số ngân hàng cộng với biên độ 3,5%...
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, cho biết dư nợ tín dụng BĐS tính đến hết năm 2020 tăng 11,89% so với cuối năm 2019, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của năm 2019 là 21,53%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm này. Đó là do dịch Covid-19 khiến tình hình hoạt động của các DN nói chung và BĐS nói riêng gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro (trong đó có lĩnh vực BĐS). Ngoài ra, năm vừa qua dư nợ tín dụng chung của ngành ngân hàng tăng trưởng 12,17%, thấp hơn so với năm trước (năm 2019 là 13,65%) nên tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS thấp hơn so với năm 2019 là phù hợp với nền kinh tế nói chung và với khả năng hấp thụ vốn của DN, cũng như nhu cầu vay vốn của người dân liên quan đến BĐS, nhà ở.
Bình luận (0)