Tiền cho khoa học công nghệ không thiếu nhưng khai thác còn rất yếu

22/02/2023 18:47 GMT+7

Nguồn tài chính cho khoa học công nghệ không thiếu nhưng nằm ở nhiều đầu mối khác nhau, còn ở Bộ NN-PTNT chỉ có một phần nhỏ và khai thác từ bên ngoài của bộ còn rất yếu.

Ngày 22.2, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiền cho khoa học công nghệ không thiếu nhưng khai thác còn rất yếu! - Ảnh 1.

Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 200 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

THANH SANG

Chiến lược của Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 40% giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương. 95% kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn. Đến năm 2030, ngành nông nghiệp có 200 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và 50 - 100 vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Góp ý tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), cho rằng nguồn tài chính cho khoa học công nghệ hiện nay không thiếu nhưng nằm ở nhiều đầu mối khác nhau. Cụ thể là các chương trình quốc gia, nguồn từ địa phương, nguồn từ các doanh nghiệp… Ở Bộ NN-PTNT cũng có phần tài chính nhỏ nhưng việc khai thác nguồn lực bên ngoài đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt từ các doanh nghiệp của các cơ quan thuộc bộ hiện nay còn rất yếu.

Theo bà Thủy, để thu hút được nguồn lực đầu tư bên ngoài thì các cục, vụ, viện, trường và đội ngũ nhà khoa học có vai trò rất quan trọng, nếu không đổi mới tư duy, cách làm thì nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp những năm tới còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, bà Thủy đề xuất thực hiện đề án thí điểm cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong nghiên cứu phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ ngành nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, khoa học công nghệ có vai trò quan trọng và quyết định trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Các đơn vị trực thuộc bộ, cũng như các viện, trường phải nhận thức rõ, cụ thể hóa bằng hành động trong lĩnh vực mình quản lý để triển khai các nội dung của chiến lược.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt vấn đề: "Tại sao các doanh nghiệp phải đi thuê đất, vay vốn ngân hàng, bỏ tiền thuê chuyên gia vẫn làm có hiệu quả. Nhà nước đã giao cơ sở vật chất, chi trả lương cho nghiên cứu khoa học thì các đơn vị, viện, trường phải nghiên cứu khoa học công nghệ để áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất", đồng thời yêu cầu "phải thay đổi tư duy của thời bao cấp".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ, đối với các ngành hàng đã có chiến lược phát triển, hàng năm, các đơn vị phải có rà soát về các giải pháp khoa học công nghệ đã áp dụng triển khai, để khi tổng kết phải chỉ rõ những gì đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân khách quan chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm triển khai cho những năm sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.