Tiền có chưa tiêu hết nói gì gói kích thích mới

12/11/2021 06:27 GMT+7

Khi các đại biểu “truy” về trách nhiệm khi giải ngân đầu tư công quá chậm, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng bản thân ông rất cầu thị lắng nghe.

Song, do luật đã phân cấp triệt để nên ông đề nghị các đại biểu ở địa phương trả lời giúp câu này.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung vào nhiều vấn đề nóng như đầu tư công, giải ngân vốn ODA chậm và phục hồi kinh tế sau dịch…

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Gia Hân

“Xin các đồng chí địa phương trả lời giúp tôi”

Các ĐB yêu cầu ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ nguyên nhân, giải pháp để khắc phục tình trạng tỷ lệ giải ngân đầu tư công quá thấp trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Trong đó, công tác chuẩn bị dự án kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức, qua loa. Từ chủ trương đến thực hiện phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, còn do giải phóng mặt bằng - câu chuyện muôn thuở vì vướng luật Đất đai, giá đền bù, nguồn gốc đất, tranh chấp, khiếu kiện, ý thức người dân. Riêng năm 2021, có nguyên nhân chúng ta bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến nguyên, nhiên vật liệu, thiếu lao động, chi phí tăng cao…

Theo Bộ trưởng Dũng, hiện nay luật đã phân cấp hết về địa phương từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án, thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn đã phân cấp… “Tôi xin nói rõ lại vấn đề này một lần nữa để xem trách nhiệm ở đâu, của ai. Trong tay tôi có danh sách 63 tỉnh thành về tỷ lệ giải ngân. Trong đó có 30 tỉnh, thành đến hết tháng 10 năm nay giải ngân dưới 60%. Đại biểu nào cần làm rõ hơn tại sao, địa phương nào chưa giải ngân được, xin các đồng chí ở địa phương trả lời giúp cho chúng tôi vấn đề này. Còn trách nhiệm nào của Bộ, tôi đã cầu thị lắng nghe”, ông Dũng nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời này, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tiếp tục chất vấn: “Tôi nhất trí với bộ trưởng có nguyên nhân do khâu thực hiện, nhưng tôi xin trao đổi với chuyện tồn tại nhiều năm. Bộ gác cửa cho Chính phủ về lĩnh vực này, giải pháp của bộ như nào để chấn chỉnh và khắc phục ngay. Còn cứ đề tồn tại mãi như thế này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Trách nhiệm của Bộ cũng như bộ trưởng là làm sao khắc phục tồn tại do khâu tổ chức thực hiện, yếu tố chủ quan gây nên”.

Liên quan đến nội dung trên, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý, năm 2020 giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ 98%. Năm 2021 lẽ ra phải tiến bộ hơn thì hết tháng 10 mới được chưa tới 50%. Trong cùng một thể chế pháp luật như nhau lại có đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Chủ tịch QH yêu cầu vấn đề quan trọng, nguyên nhân khách quan, chủ quan, cốt lõi của nó là gì để đột phá vào đâu mà giải quyết.

“Doanh nghiệp, người dân đều mong muốn có gói kích thích mới, nhưng toàn bộ số tiền ta có chưa tiêu hết thì tiêu mới cái gì, năng lực hấp thu mới thế nào. 16.000 tỉ đồng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được đồng nào, 56.000 tỉ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ được. Không chỉ năm 2021 mà tới 2022, nếu ta không làm rõ chuyện này, cuối cùng rồi QH chất vấn xong có nghị quyết tôi thấy, tình hình vẫn như vậy”, Chủ tịch QH nhắc nhở và yêu cầu trách nhiệm nằm ở đâu phải nói cho rõ tình hình kiểm tra, giám sát, từng nguyên nhân vướng mắc thế nào chứ không thể nói chung chung.

Sẽ tổ chức trực tuyến Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì Covid-19

162.000 ha đất do Trung Quốc sở hữu, bộ trưởng “xin khất”

Một trong những câu hỏi khó mà Bộ trưởng KH-ĐT nhận được là nội dung liên quan đến “đất sạch” làm các khu công nghiệp. ĐB Vũ Trọng Kim (Quảng Nam) cho biết ông có nghe bộ trưởng nói hai lần về “đất không sạch”, đầu tư phát triển sẽ khó.

“Tôi hiểu như thế sẽ có đất bẩn, như Chủ tịch QH cũng vừa nhắc, thế chúng ta kiểm tra, giám sát như thế nào? Kỳ họp thứ 9, QH khóa 14 tôi có chất vấn hiện có 162.000 ha đất do người Trung Quốc sở hữu trên toàn cõi VN. Trong đó, có 63.000 ha là đất biên giới và ven biển, tôi có chất vấn việc này phải làm cho rõ ràng”, ĐB Kim đặt câu hỏi.

Ông Vũ Trọng Kim cũng nêu rõ, vừa qua báo chí cũng như người dân có thắc mắc về việc người Việt Nam tiếp tục cho người nước ngoài núp bóng mua đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. “Vấn đề này chúng ta thấy rằng đã vi phạm luật Đất đai, không đúng đối tượng vì mua hộ, mua thay. Bộ KH-ĐT giám sát kiểm tra như thế nào? Thời gian tới có tham mưu gì Chính phủ để sửa luật Đất đai, luật Đầu tư, chứ như thế này, làm sao đảm bảo sử dụng đất đai hiệu quả?”, ĐB Vũ Trọng Kim chất vấn thêm.

Trả lời ĐB Kim, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Đầu tư núp bóng, sở hữu đất là vấn đề lớn và thực sự chúng tôi chưa có điều kiện để nắm rõ sát tình hình thực tế ở các địa phương này ra sao. Với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để có chính sách quản lý đất đai với các nhà đầu tư núp bóng danh nghĩa cá nhân, doanh nghiệp VN đang thâu tóm, chiếm giữ. Đặc biệt là vùng ven biển, sát biên giới. Đây là vùng hết sức nhạy cảm, tôi ghi nhận ý kiến và xin phép báo cáo lại sau”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.