Éo le là ở chỗ, chỉ cách đó vài tháng, chính tỉnh này đã gửi công văn đề nghị T.Ư hỗ trợ gần 700 tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán. Số tiền để mua gạo cứu đói này tính ra chỉ bằng một phần rất nhỏ so với con số trăm tỉ đồng đề xuất chi để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa nói trên. Và đây cũng không phải là năm đầu tiên tỉnh này xin gạo cứu đói.
Chẳng rõ đề xuất của ông Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch có được duyệt hay không, vì như cách ông giải thích với báo chí, là còn phải qua nhiều vòng, nhiều cơ quan khác thẩm định. Thậm chí, chính ông giám đốc sở khi trả lời báo chí cũng nhìn nhận tỉnh sẽ không đồng ý tổ chức lễ kỷ niệm với mức kinh phí cao như đề xuất, bởi tinh thần chỉ đạo của địa phương là tổ chức lễ kỷ niệm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Vậy vì sao đã biết mức đề xuất vậy là quá cao, biết không phù hợp tinh thần chỉ đạo “thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm” mà vẫn đề xuất? Phải chăng những người đề xuất nghĩ rằng ngân sách là tiền dân, “tiền chùa” nên cứ thoải mái đề xuất, được thì xài cho sướng?
Từ lâu, nhiều người đã lo ngại về sự lãng phí, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước. Bởi lãng phí nguy hiểm không kém gì tham nhũng, thậm chí còn nguy hại hơn khi sự lãng phí luôn núp bóng những chủ trương chung, đúng quy trình, tiêu chuẩn, còn chế tài để xử lý thì lại chưa nghiêm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu kết luận tại hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng hồi đầu tuần qua cũng luôn gắn liền chống tham nhũng với chống lãng phí khi khẳng định: “Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi”.
“Không được chi dùng bừa bãi” bởi của công ấy không phải là “tiền chùa” mà là tiền thuế của dân. Bởi “một hột gạo, một đồng tiền cũng tức là một số mồ hôi, nước mắt của dân” - như cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Đáng tiếc không ít người là công bộc của dân dường như lại chưa ý thức một cách sâu sắc điều này.
Bình luận (0)