(TNO) “Dân đến rút vài trăm ngàn gửi tiết kiệm mà không đủ chứng từ, sai chữ ký thì đừng hòng rút, trong khi đó tiền tham nhũng thất thoát từ ngân hàng lên tới hàng ngàn tỉ đồng”, ông Lê Thành Dương, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện KSND Tối cao tại TP.HCM nói.
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của ngành kiểm sát do Viện KSND Tối cao tổ chức hôm nay, 16.1, ông Lê Thành Dương, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm thuộc Viện KSND Tối cao tại TP.HCM cho rằng, tội phạm tham nhũng, kinh tế chức vụ trong ngành ngân hàng đang là vấn đề nhức nhối.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như được coi là bài học cho các ngân hàng về kiểm soát tài sản
- Ảnh: Ngọc Lê |
Nhìn nhận từ 2 vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank và Vietinbank, ông Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần phải nghiên cứu lại để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực sự về hệ thống kiểm tra, kiểm soát trong hệ thống ngân hàng.
Bởi theo ông Dương, qua nghiên cứu các quy định về mặt lý thuyết thì thấy các ngân hàng có nhiều tầng nấc để kiểm soát nhưng thực tế tại Phòng giao dịch chi nhánh Vietinbank Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM đã tồn tại một số chứng từ giả lên tới 5.000 tỉ đồng. Trong đó, 1.000 tỉ đồng đã tất toán, còn lại bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Tại ngân hàng Agribank, Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính 2 vì muốn trả nợ xấu cho các công ty sân sau nên đã lập chứng từ khống để nâng giá 1 thiết bị lặn do Liên Xô sản xuất năm 1975 từ 100 triệu đồng lên tới 120 tỉ đồng, gấp 1.300 lần nhưng không ai phát hiện.
“Từ các ví dụ trên tôi muốn nói tiền của Nhà nước không còn là lỗ rò rỉ nữa mà là các lỗ hổng lớn, trong khi đó, những người dân đến rút vài trăm ngàn đồng mà không đủ chứng từ, chữ ký không đúng thì đừng hòng mà rút tiền, ngân hàng không bao giờ cho rút. Tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước nghiên cứu về hệ thống kiểm tra bảo đảm đối với ngân hàng”, ông Dương nói.
Ông Nguyễn Duy Giảng, Vụ trưởng vụ thực hành quyền công tố và kiểm soát án điều tra kinh tế và chức vụ Viện KSND Tối cao đánh giá tội phạm tham nhũng, kinh tế chức vụ trong lĩnh vực ngân hàng đang gây nguy cơ lũng đoạn nền kinh tế. Trong khi đó, để xử lý, các cơ quan tố tụng gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc.
“Giám định mất nhiều thời gian, kinh phí khiến vụ án bị kéo dài, nhiều quy định lạc hậu gây ra áp lực cho chính cơ quan tố tụng”, ông Giảng nói.
Bình luận (0)