Tiền đang kẹt ở đâu?

08/10/2022 07:26 GMT+7

Giao dịch chứng khoán giảm mạnh, bất động sản đóng băng, vàng ế... Nhiều ý kiến cho rằng tiền đang chảy vào hệ thống ngân hàng khi lãi suất tiết kiệm tăng liên tục trong thời gian qua. Thế nhưng thực tế, các nhà băng huy động cũng hết sức chật vật. Vậy tiền đang nằm ở đâu?

Vốn kẹt ở bất động sản

Công ty CP chứng khoán SSI thông tin lượng tín dụng bơm mới vào thị trường trong 9 tháng năm 2022 đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, trong khi chỉ có 440.000 tỉ đồng được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Tính đến ngày 2.9, tín dụng tăng 10,54% so với cuối năm 2021, huy động vốn tăng 4,04% (so với 4,24% năm 2021) và cung tiền M2 tăng 2,49% (so với 4,95% vào 2021). Điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua. Chênh lệch huy động - tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và chưa có nhiều sự cải thiện tại thời điểm hiện tại.

Ngân hàng đẩy lãi suất cao để hút vốn

Ngọc Thắng

Trước câu hỏi lãi suất huy động tăng lên nhưng ngân hàng (NH) vẫn khá chật vật trong việc huy động vốn thì tiền kẹt ở đâu, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học & kinh tế ứng dụng, cho rằng nguồn tiền cho vay trung dài hạn trong 2 năm 2020 - 2021 tăng lên, nhất là vào bất động sản (BĐS).

Hiện nay, tiền về không kịp, khách hàng trả nợ không đúng hạn, kể cả phần trái phiếu. Lý do tiền không về kịp do kết cấu cho vay giữa trung dài hạn và ngắn hạn ở mỗi nhà băng. Trường hợp NH cho vay ngắn hạn nhiều hơn thì dòng tiền luân chuyển liên tục, về NH nhanh. Còn cho vay trung dài hạn nhiều thì tiền không về kịp nhiều hơn khi các công ty BĐS bán không được hàng. Khó khăn thanh khoản của các doanh nghiệp BĐS đã xuất hiện từ giữa năm 2021 và tình hình hiện nay còn trầm trọng hơn. Hạn mức tín dụng hạn chế cũng phần nào làm giảm nhu cầu mua bán của người dân. Do đó, dòng tiền quay về các nhà băng cũng chậm hơn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: “Tiền hiện bị kẹt ở tài sản. Trong 9 tháng, tăng trưởng tín dụng hơn 10%, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với BĐS nhanh hơn, khoảng 12%. Cách đây 1 - 2 năm, dòng tiền của người dân còn đổ vào chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khá mạnh. Trong đó các doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu huy động vốn qua kênh trái phiếu đứng vị trí thứ 2 sau các ngân hàng. Thị trường BĐS không thanh khoản cũng dẫn đến việc trả nợ chậm hơn. Thế nên, tiền nằm chủ yếu ở tài sản là BĐS”.

Mở lối cho dòng tiền trở lại

Thị trường chứng khoán, BĐS, trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 - 2 năm trước đây sôi động. Nhà nhà người người đi mua BĐS, chứng khoán, trái phiếu khi lãi suất tiền gửi NH sụt giảm sâu. Thế nhưng theo dữ liệu từ Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong 8 tháng năm 2022, nhóm doanh nghiệp BĐS chỉ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt giá trị hơn 47.000 tỉ đồng với lãi suất trung bình khoảng 10,2%, chiếm 21,3% tổng giá trị trái phiếu phát hành, xếp thứ hai sau lĩnh vực ngân hàng nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Lượng trái phiếu này chỉ bằng một nửa so với 6 tháng đầu năm 2021. Một số doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn nhưng chưa thể đáp ứng được điều kiện phát hành mới. Do vậy, các doanh nghiệp BĐS sẽ khó tiếp cận thị trường vốn trái phiếu hơn trước đây.

Ông Định Trọng Thịnh nhận xét thị trường chứng khoán, BĐS sụt giảm, nhiều nhà đầu tư vẫn không bán ra. Thêm vào đó, một phần vốn trong dân chuyển dịch vào vàng trong nỗi lo lạm phát. Mặc dù lạm phát trong nước được kiểm soát ở con số dưới 4% nhưng nhiều người thấy giá cả hàng hóa tăng nên tăng mua vàng trú ẩn. Chính vì vậy, có những thời điểm giá vàng trong nước tăng vọt, cao hơn thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng. Dòng tiền chảy vào đây một phần.

Bên cạnh đó, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nhìn vào chỉ số cung tiền M2 giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, điều này thể hiện rõ dòng tiền lưu thông trên thị trường ít đi nhiều. Để tháo dòng vốn hiện nay, cần tạo dựng lại niềm tin trên thị trường. Với đà tăng trưởng kinh tế khả quan của quý 3, hy vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vượt qua được những khó khăn hiện tại. Lúc này dòng vốn sẽ chảy vào thị trường chứng khoán, BĐS nhiều hơn. Đồng thời những quy định mới sẽ khơi thông dòng vốn qua kênh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngày 7.10, lãi suất trên thị trường liên NH tiếp tục giảm ở những kỳ hạn từ 0,12 - 1,12%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống còn 6,5%/năm, 1 tuần xuống 7,17%/năm, 2 tuần còn 7,39%/năm, 1 tháng còn 7,76%/năm, 3 tháng xuống 7,8%/năm, 6 tháng còn 7,8%/năm, 1 năm xuống 7,88%/năm. Qua thị trường mở, NH Nhà nước bơm ra khoảng 3.800 tỉ đồng cho 6 thành viên với lãi suất 5,5%/năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.