Tiền đâu đầu tư 6 công viên gần 800 ha?

24/01/2024 06:38 GMT+7

Sở Xây dựng TP.HCM mới kiến nghị xây thêm 6 công viên tổng diện tích gần 800 ha. Nhưng điều người dân quan tâm là tiền đâu để thực hiện khi nhiều công viên được quy hoạch bỏ hoang chờ vốn bao lâu nay.

Gần 20 năm vẫn chưa xong một công viên

Theo đó, 6 công viên được đề xuất có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống, nằm ở nhiều địa phương.

Tiền đâu đầu tư 6 công viên gần 800 ha?- Ảnh 1.

Công viên Sài Gòn Safari sau gần 20 năm vẫn hoang hóa

GIA KHIÊM

Trong đó, lớn nhất là công viên Sài Gòn Safari ở H.Củ Chi, rộng 485 ha. Thứ 2 là khu lâm viên sinh thái ở TP.Thủ Đức rộng 128 ha nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có chức năng chính là bảo vệ môi trường, thoát nước mặt kết hợp nghỉ ngơi, giải trí, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên.

Thứ 3 là công viên quảng trường Thủ Thiêm ở TP.Thủ Đức rộng 20 ha, toàn bộ diện tích thuộc đất công. Hiện nơi đây đã hình thành công viên bờ sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn với nhiều hạng mục như cánh đồng hoa hướng dương, khuôn viên sinh hoạt cộng đồng, bến cầu tàu, chuỗi bè nổi thủy sinh, công viên đá, công viên sinh thái...

Thứ 4 là công viên Gò Cát ở Q.Bình Tân rộng 13 ha vốn dĩ là bãi rác được sử dụng theo phương thức chôn lấp, đã dừng hoạt động hơn 10 năm. Thứ 5 là công viên cây xanh Thạnh Xuân ở Q.12 rộng 150 ha. Do diện tích lớn, công viên này sẽ được quy hoạch thành công viên đa chức năng, vừa phục vụ thưởng lãm, sinh hoạt, khai thác các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng (không lưu trú), vừa điều tiết nước và chứa nước sạch cho cả khu vực. Cuối cùng là công viên cây xanh thuộc khu công viên cây xanh - thể dục thể thao P.12, Q.Bình Thạnh rộng 3,8 ha.

Trong 6 công viên được đề xuất, công viên Sài Gòn Safari là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất VN với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, song gần 20 năm qua, dự án vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm. Dự án thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi, cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km với rất nhiều chức năng phục vụ cho nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân TP.

Để thực hiện dự án, tháng 6.2004, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi đất giao Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Khi đó UBND H.Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện. Đến nay dự án đã đền bù gần xong, khu vực được quy hoạch thành công viên Sài Gòn Safari dù đã được cắm mốc lộ giới và giăng hàng rào kẽm gai nhưng tới năm 2022 mới triển khai trồng cây xanh hàng rào, còn bên trong chỉ là bãi đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Theo UBND H.Củ Chi, dự án này kéo dài quá lâu nhưng kêu gọi thu hút đầu tư rất khó do vướng cơ chế. Do đó, TP đã quyết định chuyển sang chức năng công nghiệp công nghệ cao kỳ vọng sẽ thu hút được nhà đầu tư, phát huy được nguồn

lực đất đai. Để khởi động lại dự án, mới đây Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục nghiên cứu ý tưởng quy hoạch, kiến trúc công viên Sài Gòn Safari để tiến hành tổ chức thi tuyển.

Vẫn chưa có lối ra

Trong chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời do HĐND TP.HCM tổ chức với nội dung Quản lý và phát triển công viên, cây xanh công cộng, TS Đinh Quang Diệp (Trường đại học Nông Lâm TP.HCM) đặt vấn đề TP cần phải làm gì để đất cây xanh công viên đô thị đạt tiêu chuẩn 7 m²/người của một đô thị loại đặc biệt như TP.HCM? Thực tế hiện nay phân bổ mảng xanh trên địa bàn TP.HCM không đồng đều. Các quận nội thành, trung tâm là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các quận mới, các huyện ngoại thành. Đây là nghịch lý có thể do vấn đề quy hoạch.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM Lê Trương Hải Hiếu thừa nhận dù TP quan tâm công viên, mảng xanh nhưng nguồn lực còn hạn chế, nên chưa được ưu tiên đầu tư phát triển. Mục tiêu xã hội hóa được nói đến từ lâu nhưng hiện chưa có cơ chế thu hút nhà đầu tư nên quy hoạch nhiều mà bỏ hoang không thể thực hiện được.

KTS Trần Tuấn chỉ ra một thực tế là đa số các công viên hiện nay của TP đã được đầu tư từ rất lâu, rất ít có công viên mới nào được xây dựng. Ngay các quận huyện ngoại thành dù mới thành lập nhưng công viên cây xanh không được đầu tư, chăm chút. "Hiện nay việc xây dựng công viên bằng nguồn vốn ngân sách là vô cùng khó khăn trong bối cảnh vốn đầu tư công khan hiếm và phải dành cho các dự án cấp bách, đặc biệt là dự án hạ tầng. Chính vì vậy, xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp chung tay bằng các chính sách ưu đãi là điều cần thiết.

Cụ thể, khi quy hoạch ngoài việc dành quỹ đất làm công viên, cần bố trí thêm quỹ đất dành làm thương mại, dịch vụ, thậm chí nhà ở để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn cũng như có kinh phí duy trì hoạt động của công viên. Chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi về tiền sử dụng đất... cũng cần được tính đến. Nếu được, nhà nước nên giao đất sạch cho doanh nghiệp xây dựng công viên. Doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư, khai thác và vận hành, nhà nước không cần phải bỏ vốn ngân sách", ông Tuấn đề xuất.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, việc xã hội hóa đầu tư công còn vướng luật. Cụ thể việc huy động xã hội hóa đầu tư công viên cây xanh không nằm trong danh mục của luật Đầu tư công. Do đó phát triển công viên cây xanh chủ yếu bằng nguồn ngân sách, trong khi nguồn vốn đầu tư công chưa bố trí đủ cho các dự án. Chính vì vậy, Sở Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh bổ sung nội dung này để làm cơ sở cho công tác xã hội hóa phát triển cây xanh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn sử dụng khai thác mặt bằng công viên cũng còn nhiều bất cập, vướng mắc. Hiện chưa có quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, nên trong quá trình quản lý có phát sinh các khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như tổ chức các dịch vụ thiết yếu trong công viên phục vụ nhu cầu của người dân: bãi giữ xe, căng tin, máy bán nước tự động...

Do diện tích đất dành cho công viên quá ít, nên TP.HCM phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 TP đặt mục tiêu tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng, tương đương 0,65 m²/người. Để hoàn thành chỉ tiêu này, TP.HCM cần thực hiện ít nhất 54 dự án, tổng kinh phí đầu tư ước tính hơn 9.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư. Dự kiến đến năm 2025 chỉ đạt trên 100 ha, được 75% kế hoạch đặt ra.

Để giải quyết bài toán về vốn, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát, cân đối, tham mưu bổ sung hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để Sở Xây dựng tổ chức thực hiện các dự án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP. Đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m²/người.

Công viên TP.HCM thấp nhất nước

Theo thống kê, toàn TP.HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở TP hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m²/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha. Với dân cư thường trực ở TP khoảng 10 triệu người, tỷ lệ trên chỉ đạt bình quân 0,55 m²/người. Hiện nay diện tích công viên của TP.HCM thấp nhất trong các đô thị của cả nước so với Hà Nội là 2,06 m²/người, Đà Nẵng là 2,4 m²/người, trong khi Hải Phòng là 3,41 m²/người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.