Chiều 11.10, tại Hà Nội, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên hơn 2.103 đồng/kWh, tương đương mức tăng 4,8% so với mức giá hiện hành.
Cùng ngày, Bộ Công thương cũng đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11.10 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Theo tính toán của EVN, việc điều chỉnh giá điện lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm.
Cụ thể đối với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt là đơn vị kinh doanh dịch vụ có khoảng 547.000 khách hàng, trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng sẽ trả thêm khoảng 247.000 đồng.
Đối với đơn vị sản xuất hiện có 1,921 triệu hộ sản xuất, trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng.
Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp hiện có khoảng 691.000 khách hàng, trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện phải trả tăng thêm 91.000 đồng/tháng.
Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, tỷ lệ sử dụng điện sinh hoạt hiện nay được phân chia theo 6 bậc thang tiêu thụ, từ thấp đến cao.
Theo đó, tiền điện tăng thấp nhất là các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng (bậc 1), tiền điện phải trả thêm là 4.350 đồng/tháng. Đối với các hộ sử dụng điện trên 401 kWh/tháng (bậc 6), tiền điện phải trả thêm là 62.150 đồng/tháng.
Cũng theo EVN, tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200 kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.
Theo đó, EVN cho rằng, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200 kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn.
Bình luận (0)