Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM qua các năm

10/12/2024 15:52 GMT+7

Từ năm 2021 đến nay, TP.HCM đã 14 lần điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM trong kỳ họp HĐND TP.HCM cuối năm (diễn ra từ ngày 9 - 11.12) về tiến độ và hiệu quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, quá trình thực hiện đến nay, TP.HCM đã 14 lần điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM qua các năm- Ảnh 1.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở TP.HCM nhiều năm liền không đạt kế hoạch

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tổng vốn đầu tư công trung hạn gần 250.000 tỉ đồng, trong đó, kết quả bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm của TP.HCM và công tác giải ngân hằng năm như sau:

  • Năm 2021, kế hoạch vốn giao hơn 32.262 tỉ đồng; tổng số vốn đã giải ngân hơn 19.721 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 61% so với kế hoạch.
  • Năm 2022, kế hoạch vốn giao hơn 37.366 tỉ đồng; tổng số vốn đã giải ngân hơn 26.202 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 70%.
  • Năm 2023, kế hoạch vốn giao hơn 68.634 tỉ đồng; tổng số vốn đã giải ngân hơn 48.046 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 70%.
  • Năm 2024, kế hoạch vốn giao hơn 79.263 tỉ đồng. Tại thời điểm giám sát, tổng số vốn đã giải ngân chỉ hơn 17.047 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 21,5%. (Theo số liệu mới nhất của UBND TP.HCM, tính đến ngày 7.12, tổng số vốn đã giải ngân hơn 25.781 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 33% - PV).

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số đơn vị lập dự án còn chưa rà soát kỹ điều tra hiện trạng lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dẫn đến việc phê duyệt chậm, làm tăng chi phí bồi thường, phát sinh thêm hạng mục đầu tư hoặc thay đổi hạ tầng kỹ thuật làm… và điều này làm tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện.

Bân cạnh đó, các sở, ban, ngành còn phối hợp chậm trong việc di dời các hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp nước, viễn thông... trong phạm vi dự án, ảnh hưởng việc giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho các đơn vị thi công.

Trong khi đó, nhiều dự án gặp vướng mắc về điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu, đặc biệt trong các khu vực áp dụng Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000. Thành phố chưa có quy hoạch không gian xây dựng ngầm nên các dự án 2 tầng hầm trở lên hiện nay gặp trở ngại trong thủ tục.

Ngoài ra, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng ghi nhận những vấn đề như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; thiếu hụt nguồn vật liệu cát san lấp… đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư công

Cũng theo báo cáo thảo luận tổ tại kỳ họp được trình bày hôm nay 10.12, các đại biểu HĐND TP.HCM kiến nghị TP.HCM cần mạnh dạn hơn trong phân cấp, phân quyền cho quận, huyện các dự án không quá trọng điểm và chỉ trên 1 địa bàn quận huyện để tập trung nguồn lực thực hiện.

Đồng thời, UBND TP.HCM cần áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nghiên cứu rút ngắn quy trình phê duyệt dự án.

Các đại biểu cũng đề nghị UBND TP.HCM tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của các dự án chậm tiến độ nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân, lãng phí nguồn lực đầu tư như: xây mới cầu Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân); nút giao thông An Phú (TP.Thủ Đức); nút giao thông Mỹ Thủy (TP.Thủ Đức); nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp); nâng cấp đường Lương Định Của, đường Nguyễn Duy Trinh (TP.Thủ Đức); nhà thi đấu Phan Đình Phùng; 12.500 căn hộ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm...

Tiến độ một số dự án PPP (đầu tư theo hình thức hợp tác công tư)

Báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách cũng điểm qua những dự án PPP đang dang dở trên địa bàn TP.HCM và tiến độ thực hiện đến nay, cụ thể:

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM (giai đoạn 1) hiện gặp khó khăn ở khâu thanh toán hợp đồng BT, việc huy động nguồn vốn thi công và điều chỉnh tổng mức đầu tư theo kết luận Kiểm toán Nhà nước. Hiện tại, TP.HCM đang phối hợp các bộ, ngành liên quan để rà soát và tháo gỡ vướng mắc.

Dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng hiện gặp khó khăn ở khâu pháp lý, do đó UBND TP.HCM đã chỉ đạo dừng thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) và chuyển sang đầu tư công. TP.HCM đang phối hợp nhà đầu tư để kết thúc dự án theo phương thức BT, đồng thời giao Sở VH-TT và Ban Quản lý đầu tư xây dựng lập báo cáo tiền khả thi dự án với nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc (khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án. Sở KH-ĐT đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để điều chỉnh báo cáo, đảm bảo phù hợp với thực tế.

Dự án đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2 (PPP) đang đề nghị điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Sở GTVT TP.HCM đang tổ chức thẩm định nội dung thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, TP.Thủ Đức, nhóm công tác liên ngành của TP.HCM đang tham mưu UBND TP.HCM về việc thỏa thuận bằng văn bản với nhà đầu tư để đàm phán và điều chỉnh hợp đồng đầu tư.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.