Xe

Tiền Formosa bồi thường: Hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân

01/07/2016 13:29 GMT+7

Thủ tướng khẳng định, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường , không vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, hy sinh môi trường, đặc biệt là môi trường sống của người dân.

Thông điệp trên được người đứng đầu Chính phủ nêu lên trong phiên họp trực tuyến sáng nay (1.7) giữa Chính phủ với các địa phương.

Nhắc lại kết quả bước đầu để buộc Formosa nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường số tiền 500 triệu USD trong sự cố môi trường ở miền Trung, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc bài bản, khoa học, đảm bảo đầy đủ chứng lý.

Đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, bộ ngành, các nhà khoa học, Thủ tướng cho rằng kết quả đạt được là nhờ thái độ bình tĩnh, phương pháp tiến hành khoa học, khách quan, cẩn trọng.

Liên quan đến hoạt động của Formosa khi vận hành chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải thực hiện đúng cam kết, không để tái diễn hành vi vi phạm.

“Chúng ta nhất quán quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Không vì phát triển kinh tế, thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, hy sinh môi trường, nhất là môi trường sống của người dân”, Thủ tướng nói.

Về sử dụng khoản tiền bồi thường, Thủ tướng giao Bộ NN - PTNT dự thảo chính sách, cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH - ĐT, Bộ TN - MT lên kế hoạch để sử dụng đạt hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng cũng lưu ý, cần hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân, trong đó cần ưu tiên cho chương trình đánh bắt xa bờ, để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn, đồng thời với kế hoạch phục hồi môi trường biển. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tập hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch sử dụng tiền đền bù, trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến việc khắc phục hậu quả sau sự cố, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao, kiến nghị cần phải xem xét hỗ trợ cho tất cả những người bị ảnh hưởng.

Theo ông Cao, đầu tiên là ưu tiên ngư dân đánh bắt gần do không có đất sản xuất nên khó chuyển đổi nghề. Do đó, cần có chính sách chuyển đổi sang đóng tàu để đánh bắt xa bờ hoặc hỗ trợ họ đi xuất khẩu lao động.

Ông Cao cho rằng, ngoài ngư dân thì các cơ sở du lịch cũng ảnh hưởng lớn, nên Chính phủ cũng cần có chính sách tín dụng, giảm thuế giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn, bởi nhiều cơ sở du lịch khách đăng ký nhưng đã hủy hết từ khi xảy ra sự cố đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.