Ngày 25.10, TAND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) tuyên án sơ thẩm đối với 3 bị cáo Đoàn Văn Thanh (60 tuổi, cựu đại tá, Trưởng công an TP.Mỹ Tho), Võ Trần Chí Công (40 tuổi), Phạm Thị Quỳnh Anh (39 tuổi, cùng là cựu ngụ cán bộ Đội xử lý vi phạm hành chính, Công an TP.Mỹ Tho) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Cụ thể, Đoàn Văn Thanh bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù; Võ Trần Chí Công 3 năm 6 tháng tù; Phạm Thị Quỳnh Anh 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách. Tuy phạm tội không vì lợi lộc, nhưng Chí Công và Quỳnh Anh là đồng phạm giản đơn trong vụ án.
Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Thanh bút phê cho phạt cảnh cáo đối với 10 trường hợp vi phạm hành chính ở mức phạt trên 10 triệu đồng và 225 hồ sơ vi phạm khác dưới 10 triệu đồng không vì lợi lộc vật chất nhưng có động cơ khác là để củng cố uy tín bản thân và nâng cao địa vị xã hội trong các mối quan hệ, củng cố vị trí công tác.
Khi bị khởi tố, bị cáo Thanh không còn là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Mỹ Tho nên không còn là cán bộ chủ chốt của địa phương. Do đó, yêu cầu xét xử sơ thẩm đối với vụ án tại TAND tỉnh Tiền Giang của bị cáo Thanh là không có cơ sở chấp nhận, tức không thuộc trường hợp áp dụng khoản 2 điều 268 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Về tình tiết 4/10 vụ vi phạm trên 10 triệu đồng không có chữ ký của người vi phạm và trong tất cả các hồ sơ bị cáo chỉ bút phê cho cấp dưới xem xét xử lý tiếp theo chứ chưa ký bất cứ quyết định xử phạt cảnh cáo nào nên chưa hoàn thành hành vi phạm tội. Do đó, bị cáo chỉ chấp nhận ở mức vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại đã gây ra. Tình tiết tranh luận này, TAND TP.Mỹ Tho chấp thuận theo ý kiến tranh luận của đại diện Viện KSND TP.Mỹ Tho tại tòa và cáo trạng của Viện KSND tỉnh Tiền Giang. Theo đó, Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Thanh và 2 đồng phạm đã phạm tội vì các trường hợp trên 10 triệu đồng được xác định trong vụ án đều không được xử phạt cảnh cáo vì luật không có quy định.
HĐXX sơ thẩm cũng chấp thuận kết quả trưng cầu giám định tư pháp đối với 10 hồ sơ vi phạm trên 10 triệu đồng và đó là căn cứ duy nhất để khởi tố, truy tố các bị cáo vì kết quả này được cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu (Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang). Mặc dù tại điều 3 Thông tư 40/2022-TT-BTC của Bộ Tài chính, có 8 lĩnh vực thuộc trường hợp giám định tài chính nhưng không có quy định được giám định tài chính trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Tiền Giang, từ năm 2013-2016, có 235 hồ sơ vi phạm hành chính xin trong lĩnh vực giao thông và trật tự được cựu đại tá Đoàn Văn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng công an TP.Mỹ Tho, bút phê chỉ đạo phạt cảnh cáo vì các hồ sơ này được người thân hoặc người trực tiếp vi phạm có đơn xin được phạt cảnh cáo vì nhiều lý do. Hành vi này gây thiệt hại cho ngân sách hơn 650 triệu đồng; trong đó có 10 hồ sơ gây thiệt hại trên 10 triệu đồng, với tổng số tiền hơn 183 triệu đồng.
Võ Trần Chí Công và Phạm Thị Quỳnh Anh được xác định là đồng phạm với bị cáo Thanh. Cụ thể, Chí Công là cán bộ phụ trách tổ xử lý tại Đội CSGT Công an TP.Mỹ Tho (2013-2014) đã không xử phạt hành chính 130 hồ sơ theo chỉ đạo phạt cảnh cáo của Thanh, gây thiệt hại 385 triệu đồng. Phạm Thị Quỳnh Anh là cán bộ phụ trách tổ xử lý tại Đội CSGT Công an TP.Mỹ Tho (2015-2016) đã xử lý sai quy định 42 hồ sơ vi phạm hành chính theo chỉ đạo phạt cảnh cáo của Thanh, gây thiệt hại 166 triệu đồng.
Bình luận (0)