Tiện ích thông minh đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã giúp người dân không chỉ thuận lợi trong việc làm thủ tục hành chính, mà còn dễ dàng tương tác với cơ quan quản lý nhà nước khi có nhu cầu.
“Chính phủ định hướng xây dựng thành phố thông minh phải lấy người dân làm trung tâm, còn công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là phương tiện hỗ trợ đắc lực. Tất cả hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế”.
Cùng với việc đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công của tỉnh tại địa chỉ số 5 Lê Triệu Kiết, P.Mỹ Bình (TP.Long Xuyên), UBND tỉnh An Giang triển khai đưa dịch vụ hành chính công lên Zalo, với tên gọi “Trung tâm hành chính công An Giang”. Nỗ lực của tỉnh về trang bị cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, đặc biệt là áp dụng tiện ích thông minh cho các đơn vị hành chính trực thuộc trên địa bàn,được xem là bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Ngày 4.9, ông Nguyễn Văn Khương, ngụ H.Châu Phú (An Giang) đến UBND H.Châu Phú nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Theo lịch hẹn, ngày 6.9 mới có kết quả giải quyết, nhưng ngay trong ngày 4.9, qua ứng dụng Zalo, Trung tâm hành chính công An Giang đã thông báo cho ông Khương hồ sơ đã giải quyết xong và mời ông đến nhận trước hạn. Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thái, ở xã Định Thành (H.Thoại Sơn) ngày 4.9 đi làm thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch, và ngay trong ngày ông được gửi tin nhắn thông báo qua ứng dụng trên để đến nhận kết quả, thay vì chờ theo lịch hẹn trả vào ngày 5.9.
Trước đó, ngày 23.8 ông Lê Thanh Tuấn, ngụ xã Vĩnh Bình (H.Châu Thành) đi làm thủ tục khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho con; ngày hẹn trả kết quả vào 14.9. Đến ngày 4.9, ông Tuấn cũng được gửi tin nhắn thông báo qua Zalo đến nhận kết quả vì hồ sơ của ông được giải quyết trước hạn. Theo chia sẻ của ông Lê Thanh Tuấn, mô hình truyền thống trước đây là người dân đến nộp hồ sơ rồi về đợi ngày đến nhận kết quả, trong thời gian chờ đợi không thể nào tra cứu được tình trạng hồ sơ của mình được giải quyết đến đâu, dẫn đến phải đi lại tìm hiểu mất thời gian… Tuy nhiên, khi có ứng dụng mới, những hạn chế đó đã được khắc phục khá triệt để.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều người dân ở An Giang đều bày tỏ sự hài lòng khi đi làm thủ tục hành chính với tiện ích thông minh mà tỉnh áp dụng. “Từ khi triển khai các tiện ích cải cách hành chính qua Zalo, mọi giao dịch với chính quyền trở nên thuận lợi hơn, và người dân được phục vụ tốt hơn. Việc này giúp theo dõi được hồ sơ đang được chuyên viên thuộc sở nào xử lý, tình trạng ra sao, và cập nhật nhanh ngày nhận kết quả nếu hồ sơ được giải quyết xong sớm hơn dự tính. Đây thật sự là một bước đột phá của chính quyền vì dân phục vụ”, một người dân bày tỏ.
Hiện UBND tỉnh An Giang có khoảng 1.660 thủ tục hành chính của 19 sở, ban, ngành được triển khai trên Zalo. Người dân tỉnh này dễ dàng truy cập vào trung tâm hành chính công bằng cách tìm kiếm trên ứng dụng Zalo với từ khoá “Trung tâm hành chính công An Giang”. Sau hơn 2 tháng áp dụng mô hình mới đã có hơn 9.000 người dân sử dụng cổng thông tin này để để tra cứu và nhận kết quả đăng ký thường trú, cấp đổi sổ hộ khẩu, đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, hưởng trợ cấp thất nghiệp, thành lập hộ kinh doanh, cấp giấy phép lái xe quốc tế…
Ông Trương Minh Thuần, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang chia sẻ, theo thống kê ở An Giang có 600.000 người dùng thiết bị điện thoại thông minh và có sử dụng 3G/4G, đa phần trong đó đều sử dụng Zalo. Do vậy, người dân đã rất tích cực hưởng ứng khi tỉnh triển khai những tiện ích thông minh trong giải quyết thủ tục hành chính. “Khi đến nộp hồ sơ tại trung tâm, người dân sẽ nhận được giấy biên nhận kèm theo mã QR. Bằng cách quét mã QR này, người dân sẽ nhận được thông tin tiến độ xử lý, đồng thời đánh giá thái độ và kết quả công việc của các cán bộ trung tâm. Người dân có thể dễ dàng nhắn tin trao đổi trực tiếp với trung tâm khi có thắc mắc hay cần góp ý về công tác cải cách hành chính của tỉnh. Ngoài ra, người dân cũng cập nhật được những chính sách mới, tin tức hành chính công ngay trên điện thoại di động”, ông Trương Minh Thuần cho biết.
“Việc ứng dụng Zalo vào tiến trình cải cách hành chính của tỉnh giúp công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền, đồng thời mang đến cho người dân sự đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian đi lại và nguồn lực xã hội. Mô hình này được kỳ vọng giúp thay đổi điểm đánh giá về chính quyền, cải thiện môi trường cạnh tranh của tỉnh”
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang VƯƠNG BÌNH THẠNH
Theo thống kê đến tháng 7.2018, trong cả nước có 26 tỉnh, thành ứng dụng mô hình “Chính quyền thông minh qua Zalo”, trong đó đến 24 tỉnh thành triển khai đầu năm nay. Cụ thể, các tỉnh, thành đã chính thức đi vào hoạt động: Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Đắk Nông. Các tỉnh, thành đang trong quá trình hoàn thiện: Hà Giang, Yên Bái, Phú Yên, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bến Tre, Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Giang.
Vào năm 2015, người dân Đà Nẵng hưởng ứng tích cực trước việc chính quyền thành phố vận hành mô hình chính quyền điện tử, ứng dụng Zalo để tương tác, hỗ trợ thông tin với người dân, doanh nghiệp. Những thông tin dịch vụ hành chính tưởng như rắc rối và cần nhiều thao tác để tra cứu, thì nay người dân Đà Nẵng đã có thể nhận được thông tin qua chính ứng dụng Zalo trên điện thoại của mình, ví dụ như tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ một cửa; tìm lộ trình xe buýt, thông tin xe buýt, những chuyến xe buýt sắp đến trạm; xem thông tin các cơ sở đạt chuẩn an toàn thực phẩm; tra cứu điểm thi lớp 10, tra cứu giá đất…
“Sau 3 năm Đà Nẵng triển khai chính quyền điện tử trên Zalo, mô hình này đã dần trở thành một kênh tương tác thông dụng giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền; mang đến cho người dân thông tin đầy đủ, tiết kiệm thời gian và công sức của người dân; đồng thời mang lại hiệu quả hoạt động công vụ cho Đà Nẵng trong việc xây dựng chính quyền điện tử”.
Trong khi đó, mô hình một cửa liên thông các cấp từ xã - huyện - tỉnh ở Đồng Nai với các tiện ích như dịch vụ công, thông tin, tổng đài 1022, bus Đồng Nai trên Zalo (tên gọi Cổng hành chính công tỉnh Đồng Nai) đã thu hút hàng chục ngàn người dân, doanh nghiệp tham gia. Việc tỉnh Đồng Nai vận dụng CNTT vào cải cách hành chính đã giúp đem lại những kết quả khả quan, thúc đẩy hiệu quả trong việc cải thiện mức độ hài lòng của người dân.
“Anh Nguyễn Minh Hiền, ngụ khu phố 3, P.Tam Bình (TP.Biên Hòa) cho biết rất hài lòng với việc sử dụng tiện ích thông minh của tỉnh, bởi bây giờ ngồi tại nhà thì cũng có thể kiểm tra được tình trạngxử lý hồ sơ mà không tốn chi phí nào, cũng không cần phải nhớ mã hồ sơ hay giữ biên nhận giấy như trước đây vì đã nhận được biên nhận điện tử có mã số trực tiếp trên điện thoại di động”.
Tuy vậy, đây mới chỉ là bước đầu của tỉnh Đồng Nai trong việc phát triển ứng dụng công nghệ thân thiện trong việc tương tác với người dân. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khi trải nghiệm tính năng tra cứu hồ sơ trên Zalo tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai, đã đề nghị trong thời gian tới tỉnh cần phát huy hơn nữa những thế mạnh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, sớm giải quyết được các vấn đề tồn đọng trong công tác cải cách hành chính, tạo kênh tương tác giữa chính quyền và người dân. Qua đó hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Như nội dung bài viết đã đề cập, “Chính quyền thông minh qua Zalo” đã được nhiều tỉnh, thành lựa chọn, áp dụng và tạo ra những đột phá trong cải cách hành chính công, mang đến sự hài lòng cho người dân khi đi làm thủ tục hành chính.
Ưu điểm của mô hình này là người dân có thể tra cứu và nhận kết quả của hơn 2.000 thủ tục hành chính như: đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, đăng ký hộ kinh doanh, cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký giấy phép xây dựng, giấy sở hữu nhà đất…, thậm chí cả kết quả giải quyết khiếu nại, tranh chấp. Thay vì phải trực tiếp đến trung tâm hành chính, người dân có thể thực hiện các thao tác cực kỳ nhanh chóng và dễ dàng ngay trên điện thoại. Chính quyền các tỉnh cũng có thể chủ động gửi các thông tin quan trọng tới người dân một cách nhanh chóng và đầy đủ, chính xác.
Không chỉ dừng lại ở mức tra cứu, nhận kết quả hồ sơ, một số địa phương đã có kế hoạch cho người dân làm thủ tục trực tiếp trên Zalo, bằng cách điền thông tin vào tờ khai điện tử và đính kèm hình ảnh giấy tờ cần thiết qua Zalo đến Trung tâm hành chính công của tỉnh.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh, thành, nếu tích cực ứng dụng thành công mô hình này sẽ giải quyết triệt để những rào cản trong công tác cải cách hành chính hiện tại, tạo ra kết quả đột phá cho cả chính quyền lẫn người dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho rằng hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam đang rất phát triển, đặc biệt là khả năng kết nối hạ tầng băng thông rộng và người dân có sở hữu điện thoại, đặc biệt là smartphone ngày càng nhiều. Do vậy, khi ứng dụng tiện ích thông minh, khả năng tương tác với chính quyền và khai thác hệ thống thông tin mang lại cho lợi ích người dân là hoàn toàn khả thi.
Các tỉnh, thành tích cực tạo ra tiện ích trên điện thoại thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền quản trị thông minh… được xem là kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phan Tâm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về việc hướng dẫn các địa phương xây dựng “thành phố thông minh” đảm bảo đầu tư thiết thực, hiệu quả. Xu hướng đô thị hóa hiện nay diễn ra rất nhanh, tạo ra nhiều sức ép trong quản trị hành chính công, đặc biệt là công tác xây dựng và quản lý theo cách truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế, Chính phủ đặt ra yêu cầu cần có giải pháp đổi mới sáng tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng sắp tới. Chính phủ định hướng xây dựng thành phố thông minh phải lấy người dân làm trung tâm, còn công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là phương tiện hỗ trợ đắc lực. Tất cả hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế.
UBND tỉnh Đồng Nai là một trong 26 tỉnh, thành trong cả nước ứng dụng Zalo để tạo tiện ích thông minh cho người dân ẢNH: LÊ LÂM
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (đứng giữa) trải nghiệm tính năng tra cứu trên Zalo tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai ẢNH:xahoithongtin
TS ĐINH PHƯƠNG DUY, Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM
“Ứng dụng công nghệ để tạo tiện ích thông minh phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân là một đòi hỏi mang tính cấp thiết trong quá trình cải tiến hoạt động công vụ. Để giải quyết được các vấn đề tồn đọng trong cải cách hành chính, tiện ích thông minh phải có sự tương tác minh bạch giữa chính quyền và người dân, phải mang tính thực tiễn cao, đi vào thực chất, nhanh gọn và tiết kiệm được chi phí. Tiện ích vì dân là một xu hướng tất yếu, bởi suy cho cùng, mục tiêu của hoạt động công vụ hướng đến cao nhất, đó chính là mục tiêu vì dân phục vụ”.
GS-TS VÕ VĂN SEN, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
“Tạo ra tiện ích thông minh vì dân phục vụ có thể nói là bước tiến rất dài về cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Tiện ích thông minh hướng đến triệt tiêu nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “xin - cho” khi làm thủ tục hành chính. Về phía cơ quan hành chính, giải pháp này làm cho bộ máy của cơ quan nhà nước tinh gọn hơn, không những nội bộ cơ quan hành chính mà chính người dân cũng đều có thể giám sát quá trình giải quyết yêu cầu của người dân, tạo ra một môi trường thông thoáng, công khai và minh bạch. Tuy nhiên, công nghệ thông minh là điều kiện cần, còn “công bộc” thông minh và có đạo đức công vụ là điều kiện đủ, tiên quyết. Khi hai điều kiện hội tụ, gắn kết với nhau thì việc khó của dân, doanh nghiệp đều được giải quyết nhanh, hiệu quả”.
Chuyên viên cao cấp - TS DIỆP VĂN SƠN, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ)
“Về mặt bản chất, mô hình ứng dụng tiện ích Zalo không thay đổi trình tự, giấy tờ các thủ tục hành chính của nhà nước, mà đơn giản là giúp người dân tiết kiệm thời gian, dễ tương tác với chính quyền. Người dân thay vì phải ngồi chờ đợi ở trung tâm hành chính công, thì nay có thể ở nhà hoặc làm việc khác, trong lúc đó vẫn kiểm tra được trạng thái hồ sơ ngay trên Zalo. Người dân cũng có thể trực tiếp gửi ý kiến phản hồi, tương tác với chính quyền ngay trên Zalo, chính quyền cũng có thể trả lời trực tiếp từng góp ý này ngay trên Zalo. Tôi cho rằng chính quyền khi triển khai mô hình này trong công tác cách hành chính, thì hoàn toàn có thểhướng đến xây dựng một chính quyền thân thiện, gần dân và giảm bớt phiền hà cho người dân trong quá trình làm thủ tục hành chính”.