(TNO) Nhạc sĩ Văn Cao mất lúc ông 72 tuổi, năm 1995. Nhưng trước đó 50 năm, bài hát Tiến quân ca do ông sáng tác đã chính thức trở thành quốc ca của một nước Việt Nam mới, nước Việt Nam độc lập.
Tổ quốc thiêng liêng luôn trong tim những người con đất Việt - Ảnh: Đông Hà
|
Ngày Tết Độc lập 2.9 năm nay, không chỉ Hà Nội hát quốc ca, mà cả nước cũng sẽ hát quốc ca. Tôi nghĩ, giá Văn Cao sống thêm được 20 năm nữa, ông cũng sẽ hát quốc ca cùng với nhân dân mình. Và tôi nghĩ, với đất nước ta bây giờ, câu khẩu hiệu (slogan) mạnh mẽ nhất, thích hợp nhất có lẽ là: “Tiến lên, Việt Nam!”.
Đó không hề là những lời sáo mòn hay một khẩu hiệu nhàm chán. Tôi đã thấy hàng vạn thanh niên, sinh viên Việt Nam vừa truyền lá cờ 500 m2 vừa hát “Tiến lên, Việt Nam ơi!”. Vâng, thêm một chữ “ơi” nữa thôi, là đủ cho lòng ta dâng trào lên tình yêu Tổ quốc. Với người Việt Nam, yêu Tổ quốc bình dị như yêu không khí, yêu bầu trời, yêu mặt đất. Yêu Tổ quốc rưng rưng như yêu cha mẹ mình. Dù đi những đâu, từ Lũng Cú - Hà Giang địa đầu cực Bắc tới đảo Lý Sơn địa đầu biển Đông, tôi vẫn chỉ thấy nhân dân mình với Tổ quốc mình là một. Những người Mông ở Hà Giang nói với tôi, họ đã nhiều lần đánh bật quân xâm lược từ bên kia biên giới tràn qua, nhưng họ coi đó chỉ là những hành động tự vệ để giữ đất. Giữ đất, tức là giữ nước. Trên biển vùng quần đảo Hoàng Sa, những ngư dân Quảng Ngãi cũng nói với tôi là họ đánh cá ngay trên vùng biển của tổ tiên họ cũng là để giữ những gì trên mặt biển và trong lòng biển mà tổ tiên họ đã khai phá và cắm mốc chủ quyền.
Tổ quốc, giản đơn chỉ là vậy. Vậy mà nhiều triệu con dân Việt đã hi sinh trong suốt 70 năm qua chỉ để khẳng định với thế giới điều giản đơn ấy: “Đất nước Nam vua (và dân) Nam ở”. Không có bất cứ tham vọng bành trướng nào, sẵn sàng bỏ qua hận thù, chơi thân cả với kẻ thù cũ của mình, mọi con đường rồi cũng dẫn về câu slogan giản đơn ấy: “Tiến lên, Việt Nam ơi!”.
Tình yêu đất nước mãi mãi trường tồn trong chúng ta - Ảnh: Lê Nam
|
Mừng Tết Độc lập, tôi đã mua hoa hồng đỏ cắm trên bàn thờ ông bà cha mẹ, và mua hoa hồng vàng cắm vào lọ hoa ở phòng khách. Theo một cách ăn Tết nhẹ nhàng giản dị có từ thời cha mẹ tôi, gia đình tôi sẽ mua bún về ăn với canh, có thể là canh cá hoặc canh gà. Đơn sơ thôi, nhưng đó là cả tấm lòng gia đình tôi tưởng nhớ về cha mẹ mình, về những người đã cùng với thế hệ của họ làm nên ngày Độc lập 2.9.1945. Ngày ấy tôi chưa sinh, nhưng cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất vẫn tiếp tục cho tới ngày tôi trưởng thành và đủ sức vượt Trường Sơn. 5 năm sau ngày tôi vào chiến trường, cuộc chiến tranh mới kết thúc.
Đã sắp chạm tuổi 70, từ trước giờ tôi vẫn chưa một lần hô cái khẩu hiệu (slogan) này: “Tiến lên, Việt Nam ơi!”. Chưa một lần hô, thì bây giờ hô. Không bao giờ muộn khi muốn thể hiện lòng yêu nước. Cùng với hàng triệu thanh niên hôm nay, thế hệ con và cháu tôi, tôi muốn Ngày Độc lập thực sự là Ngày Yêu nước. Và trong ngày đó, thì “Tiến lên, Việt Nam ơi!” là một khẩu lệnh (slogan) của lòng yêu nước mạnh mẽ mang dấu ấn Việt Nam.
Tiến lên, Việt Nam ơi!
Bình luận (0)