Theo The New York Times, có một hiện tượng kinh tế táo bạo đang xảy ra ở Đại lục. Nó không liên quan đến nợ, chi tiêu cơ sở hạ tầng hay các vấn đề kinh tế quan trọng khác, thay vào đó nó là cách nước này đang nhanh chóng loại bỏ tiền mặt ra khỏi mọi giao dịch hằng ngày.
Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu như tất cả mọi người đều đang sử dụng WeChat hoặc Alipay, hai lựa chọn ví điện tử trên điện thoại thông minh phổ biến nhất, để thanh toán trước khi phải dùng đến phương thức cuối cùng là tiền mặt. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là quá trình chuyển đổi này đã diễn ra với tốc độ quá nhanh vì chỉ ba năm trước đó người dân Trung Quốc vẫn dùng tiền mặt là chủ yếu.
“Từ quan điểm công nghệ, đây có thể là một trong những sáng kiến quan trọng nhất đã xảy ra lần đầu tiên ở Trung Quốc”, Richard Lim, Giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm GSR Ventures, nói.
Theo thống kê của công ty tư vấn iReseach, các khoản thanh toán di động của đất nước châu Á đã lên đến 5.500 tỉ USD vào năm 2016, gấp khoảng 50 lần so với mức 112 tỉ USD của thị trường Mỹ. Thanh toán trên điện thoại di động phổ biến ở các quán cà phê, nhà hàng, tiệm tạp hóa, trên xe buýt thậm chí là cả các nghệ sĩ biểu diễn trên đường phố cũng dán các bảng mã QR để người qua đường có thể chuyển tiền ủng hộ.
“Cách thanh toán này đã trở thành lối sống mặc định. Thực tế, các doanh nghiệp và thương hiệu ở Trung Quốc đều được ''cắm'' vào hệ sinh thái thanh toán trực tuyến”, Shiv Putcha, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC, cho biết.
Song, phương thức giao dịch không tiền mặt này không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nước ngoài. Có một sự thật khó tin là Facebook, Google hoặc các phần mềm internet khác có thể bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc và WeChat mới là thứ thiết yếu cho cuộc sống số tại đây. Do đó, người nước ngoài đến Đại lục không còn cách nào khác hơn là phải cầm theo một chồng tiền giấy hồng đỏ nhân dân tệ.
|
Một số quốc gia ở bán đảo Scandinavia cũng đã tự tách mình ra khỏi tiền mặt, nhưng khác với Trung Quốc, họ vẫn sử dụng thẻ thường xuyên chứ không chuyển sang thanh toán hoàn toàn bằng các ví điện tử trên điện thoại thông minh.
Về thực tế, điều này có nghĩa là Tencent, ông chủ WeChat, và Ant Financial, công ty tài chính thuộc Tập đoàn Alibaba và là nhà vận hành Alipay, đều đang ngồi trên đỉnh một mỏ vàng chưa có nhiều đối thủ khai thác. Cả hai đều có thể kiếm được bộn tiền từ các giao dịch và chi phí từ các công ty đang sử dụng nền tảng thanh toán của họ. Hơn nữa, họ còn có thể thu thập dữ liệu thanh toán rộng lớn được sử dụng trong mọi thứ từ hệ thống tín dụng mới đến quảng cáo.
Ông Lim cho biết theo các số liệu gần đây, Ant Financial và Tencent đã vượt qua các công ty thẻ tín dụng lớn như Visa, Mastercard trong tổng số giao dịch toàn cầu mỗi ngày. Được biết, doanh thu “dịch vụ khác” trong đó phần lớn nhờ vào thanh toán di động trong quý 4/2016 của Tecent đã tăng gần gấp ba so với năm trước đó, đạt mức 940 triệu USD.
Áp dụng rộng rãi thanh toán trực tuyến có thể tiện lợi cho nền kinh tế tiêu dùng, nhưng nó cũng tiềm ẩn một số vấn đề trong tương lai, đặc biệt khi Trung Quốc đang tự khóa mình vào một mạng thanh toán riêng biệt. Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là các công ty nước ngoài sẽ khó bán hàng cho người tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới hoặc có nguy cơ không thể thanh toán nếu không muốn dùng nền tảng của Tencent và Alibaba. Tương tự, các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc thanh toán vào hai “ông lớn” công nghệ nói trên cũng sẽ phải đầu tư xây dựng các cấu trúc riêng biệt để tiếp cận với thế giới thanh toán bên ngoài, nơi thẻ tín dụng vẫn chiếm ưu thế lớn.
tin liên quan
'Phép màu' kinh tế Trung Quốc chưa tanQuá trình chuyển mình thành cường quốc kinh tế của Đại lục được hãng tin Bloomberg đánh giá là chưa kết thúc.
Bình luận (0)