Tiền mất, tật mang

25/07/2019 04:36 GMT+7

Vụ một khách hàng đến đòi tiền và bị nhân viên Công ty Alibaba đánh phải nhập viện không chỉ thêm những minh chứng cho hoạt động vi phạm pháp luật của công ty này mà còn là lời cảnh tỉnh đối với chính những người mua bất động sản của công ty này nói riêng và thị trường nói chung.

Tại sao Alibaba lại có thể hoạt động vi phạm công khai mấy năm trời, triển khai tới vài chục dự án ma, bán ra hàng ngàn nền đất ảo... Đầu tiên vẫn là lỗi buông lỏng quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Công ty này tự ý phân lô, làm đường, san lấp mặt bằng trái phép rầm rộ khắp nơi, bán cả đất đã được quy hoạch làm nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ... nhưng chính quyền các địa phương vào cuộc rất chậm trễ. Còn nhớ suốt mấy năm qua, báo chí đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, dư luận cũng nhiều lần đặt vấn đề, thế nhưng không cơ quan nào rốt ráo vào cuộc, quyết liệt xử lý. Việc này không chỉ khiến Alibaba làm mưa làm gió, triển khai tới vài chục dự án ma mà còn kéo theo nhiều công ty khác vào cuộc. Tất cả đều có hình thức, quy trình giống nhau là không có giấy phép, chưa đủ điều kiện kinh doanh, tự vẽ dự án rồi bán cho khách hàng. Nở rộ đến nỗi từ cuối năm ngoái, đầu năm nay, hàng loạt quận, huyện tại TP.HCM cũng như các địa phương lân cận phải lên tiếng cảnh báo, có nơi phải liệt kê cụ thể danh sách các dự án ma trên địa bàn để người dân không bị sập bẫy.
Một lý do quan trọng không kém là sự chủ quan của chính những người mua đất nền của Alibaba nói riêng và trên thị trường nói chung. Khi có nguy cơ mất tiền, ai cũng than đó là tài sản tích cóp cả đời, là số tiền phải vay ngân hàng mua đất với hy vọng có chỗ "an cư lạc nghiệp". Thế nhưng bỏ một số tiền lớn, từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng mà không thèm tìm hiểu các thông tin về quy hoạch, hồ sơ, giấy phép dự án đó như thế nào, uy tín chủ đầu tư ra sao... thì đúng là quá chủ quan. Cần biết, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều đã triển khai tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến, chỉ cần lên mạng "search" là có khá đầy đủ mà không cần phải ra tận UBND phường như trước. Đặt trường hợp không quen sử dụng internet đi chăng nữa thì việc lên UBND phường, xã, quận, huyện hỏi cho chắc chắn trước khi xuống tiền nhằm bảo vệ tài sản của mình, của gia đình mình... thiết nghĩ là việc tối thiểu phải làm. Đó là chưa kể các thông tin về dự án ma, các chủ đầu tư thiếu uy tín... nhan nhản khắp nơi. Ấy thế mà mỗi công ty ma, dự án ma "vỡ" vẫn có hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến nhiều người sập bẫy là ham rẻ, ham lời cao mà bỏ qua yếu tố an toàn. Sở dĩ Alibaba trong thời gian ngắn có thể bán ra hàng ngàn nền đất vì giá rẻ, cam kết lợi nhuận cao. Bỏ qua sự lừa đảo thì một nguyên tắc bất biến là lợi nhuận cao thì rủi ro lớn.
Nói lại để thấy, nếu cơ quan quản lý chưa quyết liệt, nếu người mua vẫn "hồn nhiên" bỏ qua tất cả các yếu tố cần và đủ để xuống tay tiền tỉ...thì những công ty như Alibaba sẽ vẫn còn đất sống, sẽ vẫn còn những người tiền mất tật mang...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.