Khắp đường phố thủ đô Mogadishu tiền mặt dần biến mất, thẻ tín dụng là không cần thiết và việc mua sắm hằng ngày là điện thoại di động, tốc độ và kỹ thuật số.
Quốc kỳ Somalia - Ảnh: Reuters |
Anh Ahmed Farah Hassan không còn mang những tờ bạc shilling, tiền tệ của nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nhiều năm qua. Tại một trạm xăng ở thủ đô Mogadishu, người đàn ông 32 tuổi này đổ xăng đầy bình và trả tiền với vài thao tác bấm điện thoại.
“Ngày nay thật dễ dàng. Tôi không cần mang theo tiền mặt. Tôi chỉ cần sử dụng điện thoại để trả hóa đơn ở khắp nơi khi tôi mua hàng hóa hay dùng dịch vụ. Mọi người ở đây có ngân hàng riêng của mình. Nó an toàn”, anh Hassan, một tài xế tại tổ chức phi chính phủ làm việc cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) để giúp đỡ trẻ em đường phố cho biết.
Khắp đường phố thủ đô Mogadishu tiền mặt dần biến mất, thẻ tín dụng là không cần thiết và mua sắm hằng ngày là tốc độ và kỹ thuật số. Hệ thống ngân hàng Somalia sau nhiều năm bị tàn phá bởi xung đột và gián đoạn kinh tế, giờ đây đã được bổ sung, hoặc thay thế bằng tiền trên điện thoại di động.
Hãng Hormuud Telecommunication ở Somalia thành lập năm 2002 giữa thời điểm bạo lực tạm lắng giới thiệu ngân hàng di động ở quốc gia Đông Phi cách đây 6 năm. Năm 2011, hãng bỏ hệ thống cũ và giới thiệu EVC Plus. Miễn phí và dễ sử dụng, EVC Plus hoạt động như dịch vụ chuyển tiền điện thoại di động M-PESA của Safaricom, dịch vụ đã phục vụ hàng triệu người kể từ khi ra đời vào năm 2007. Hiện tại, EVC Plus của Somalia có hơn 2,5 triệu người dùng trên toàn quốc.
Công ty Hormuud là một trong ít nhất ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại di động ở Somalia, nơi mà cứ mỗi 100 người lại có 51 người có một thuê bao điện thoại di động. Gần 40% người dân trưởng thành ở Somalia sử dụng tài khoản tiền điện thoại di động, theo số liệu năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tiểu thương ở chợ Somalia (như người đàn ông này tại thủ đô Mogadishu) sử dụng tiền trên điện thoại di động thay cho tiền mặt ngày càng nhiều - Ảnh: Reuters
|
Giám đốc điều hành Hormuud Ahmed Mohamed Yusuf cho biết cộng đồng người Somalia, những người gửi khoảng 1,6 tỉ USD về đất nước, đã giúp các ngân hàng di động “cất cánh”. Đây là con số tương đối cao nếu so với GDP quốc gia vào năm 2014 là 5,7 tỉ USD, theo WB.
“Dịch vụ này được thông qua vì lý do chính là hệ thống ngân hàng trong nước còn rất hạn chế. Rủi ro khi mang theo tiền mặt ở đất nước vẫn chưa ổn định về chính trị và đang phục hồi sau hơn hai thập niên hỗn loạn, nội chiến cũng là một lý do”, ông Yusuf nói.
Dhublawe Ibrahim Aden, một người bán hàng rong 25 tuổi, đồng nhận định với CEO Hormuud: “Không an toàn để mang theo tiền mặt ở đây. Nếu ai đó mua giày và trang sức từ quầy hàng của tôi, họ sẽ phải trả cho tôi qua điện thoại di động. Tôi không nhận tiền mặt từ khách hàng”.
Không như M-PESA sử dụng tiền tệ địa phương, hệ thống của Hormuud chuyển tiền dùng đô la Mỹ - ngoại tệ được cả nước Somalia ưa thích về mặt thương mại - dù đồng shilling vẫn còn trong lưu thông. Người dùng hệ thống có thể chuyển đến 3.000 USD/ngày khắp miền nam và trung Somalia.
Nhiều thập niên qua, Somalia được mô tả như một người đàn ông bệnh tật trong vấn đề thương mại và ổn định kinh tế tại vùng châu Phi Hạ Sahara vì hai thập niên nội chiến, cùng khủng bố. Song quốc gia châu Phi này vẫn đạt được dáng vẻ của sự ổn định trong những năm gần đây, và Mogadishu cũng trở thành trung tâm hoạt động kinh tế.
Các doanh nghiệp Somalia xếp hàng dài trên các con phố ở trung tâm Mogadishu. Người tiêu dùng thanh toán trên điện thoại di động cho mọi món hàng, từ thực phẩm trong siêu thị, cam ở chợ, đánh giày trên đường phố hay một cốc trà sữa tại quán cà phê ngoài trời.
Dù dịch vụ này vẫn đối mặt với các rủi ro, như việc nhóm khủng bố al-Shabaab từng de dọa các công ty hỗ trợ công nghệ này vào năm 2014, nó chắc chắn vẫn quan trọng trong nền kinh tế đang gặp khó này.
Thành viên Halima Aden thuộc Diễn đàn Kinh tế Somalia, tổ chức độc lập phát triển kinh tế và tài chính đất nước, cho biết: “Người dân đang kinh doanh mà không có bất kỳ lo sợ gì về việc tiền rơi vào tay các phiến quân. Ngành viễn thông của đất nước đi lên nhanh chóng, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh khốc liệt giữa rất nhiều doanh nghiệp viễn thông thống trị thị trường”.
Bình luận (0)