Tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine thực tế về đâu?

08/09/2024 05:00 GMT+7

Hàng chục tỉ USD mà Washington viện trợ quân sự cho Kyiv phần lớn được luân chuyển trong nền kinh tế của Mỹ.

Theo báo cáo chi tiêu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 6.9, cho thấy Pennsylvania, Arizona và Texas nằm trong số các tiểu bang được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn tài trợ và đầu tư để trang bị vũ khí cho Ukraine trong xung đột với Nga, Reuters đưa tin.

Giới quan sát cho rằng trong những gói viện trợ khổng lồ hàng chục tỉ USD mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chuyển cho Ukraine, chỉ một phần nhỏ là tiền Washington chuyển cho Kyiv, còn lại là dòng tiền được luân chuyển trong nền kinh tế Mỹ.

Tiền viện trợ có đổ về Ukraine?

Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) thông tin kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Quốc hội Mỹ đã tài trợ hơn 175 tỉ USD để các cơ quan nước này hỗ trợ Ukraine trong vấn đề quân sự và dân sự. Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay các gói viện trợ quân sự mà Mỹ đã cung cấp đến nay là hơn 55 tỉ USD. Số tiền này được huy động qua nhiều cơ chế.

Ukraine sắp được nhận tên lửa hành trình tầm xa "khủng" của Mỹ?

Vũ khí và đạn dược chuyển cho Ukraine thường thông qua Quyền rút vốn của tổng thống (PDA) do quy trình nhanh chóng. Khi này, Tổng thống Biden có thể phê duyệt lấy vũ khí dự trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ và chuyển cho Kyiv trong vài ngày. Quân đội Mỹ cũng có chương trình Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI) để mua sắm vũ khí và đào tạo quân nhân Kyiv. Dưới những cơ chế này, Lầu Năm Góc sẽ dùng ngân sách để hợp tác với các nhà thầu quốc phòng Mỹ sản xuất vũ khí, vừa để lấp đầy lại kho dự trữ và chế tạo những vũ khí mới cho Ukraine.

Tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine thực tế về đâu?- Ảnh 1.

Vỏ đạn pháo 155 mm được chế tạo tại nhà máy ở TP.Scranton, bang Pennsylvania (Mỹ) tháng 2.2023

ẢNH: REUTERS

Theo tạp chí TIME, 90% tiền viện trợ Ukraine ở lại đất Mỹ, dưới dạng những hợp đồng quốc phòng để các công ty đầu tư nhà máy, tạo việc làm cho người Mỹ, qua đó thúc đẩy nền kinh tế nội địa.

Trong báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc, bang Pennsylvania đã nhận được nhiều tiền tài trợ nhất để sản xuất vũ khí cho Ukraine so với các bang khác, với 2,5 tỉ USD. Các bang Arizona và Texas xếp sau cũng nhận được lần lượt 2 tỉ USD và 1,8 tỉ USD. Tài liệu đã đưa ra chi tiết hoạt động mua sắm và đầu tư vũ khí cho Ukraine ở hơn 35 tiểu bang Mỹ.

Quá trình sản xuất những vũ khí nổi trội viện trợ Ukraine đã góp phần đem lại nguồn kinh tế cho các tiểu bang, như phụ tùng của Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) được Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất tại Arkansas, hệ thống tên lửa Patriot được Tập đoàn RTX lắp ráp tại Arizona, hay xe bọc thép chiến đấu Bradley được Tập đoàn FMC chế tạo tại Pennsylvania. Hồi tháng 10.2023, Tổng thống Biden đã nêu bật các công ty sản xuất của Mỹ sẽ được lợi từ kế hoạch viện trợ Ukraine, với việc hoạt động chế tạo vũ khí được diễn ra trong nước.

Phương Tây đồng loạt viện trợ Ukraine, Mỹ chưa cho sử dụng tấn công tầm xa

Người mừng kẻ lo

Bài viết trên tờ The Washington Post tháng 11 năm ngoái nêu rằng yêu cầu viện trợ Ukraine không chỉ buộc Lầu Năm Góc tăng tốc năng lực sản xuất vũ khí của Mỹ, mà còn giúp hiện đại hóa quân đội. Cựu thiếu tướng Lục quân Mỹ John Ferrari nhận định quân đội chuyển những vũ khí có tuổi đời hàng chục năm cho Ukraine và thay bằng những loại hiện đại hơn, điều mà trước đây chưa thể thực hiện do sức ép ngân sách.

Trái ngược với lợi ích Mỹ thu về từ các hợp đồng quốc phòng, Ukraine đang phải trải qua tình cảnh khó khăn, khi giới chức nước này liên tục thúc giục Washington và đồng minh phương Tây sớm chuyển giao vũ khí. Phát biểu tại cuộc họp của Nhóm liên lạc phòng thủ Ukraine, diễn ra tại Đức ngày 6.9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề cập sự thiếu hụt đáng kể trong số lượng vũ khí phòng không viện trợ. "Thế giới có đủ hệ thống phòng không để đảm bảo rằng cuộc tấn công của Nga không mang lại kết quả và tôi kêu gọi các bạn hãy tích cực hơn trong cuộc chiến phòng không này", ông nói.

Cũng trong cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố gói viện trợ bổ sung 250 triệu USD cho Kyiv. Ông Austin vẫn giữ nguyên lập trường của Mỹ là không cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công đất Nga, nhấn mạnh không loại vũ khí nào có khả năng xoay chuyển cục diện chiến trường, nêu thêm Kyiv vốn đã có năng lực nhằm vào Nga bằng máy bay không người lái (UAV).

F-16 Ukraine có thể được vũ trang tên lửa 'xịn hơn ATACMS'

Trang Business Insider ngày 6.9 đưa tin Mỹ đang cân nhắc chuyển tên lửa không đối đất AGM-158, hay JASSM, cho Ukraine. Loại vũ khí này có thể gia tăng phạm vi tấn công cho quân đội Kyiv, khi có tầm bắn 370 km, xa hơn bất kỳ loại vũ khí nào do phương Tây viện trợ đến nay, bao gồm tên lửa ATACMS của Mỹ (có tầm bắn 300 km).

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết vẫn chưa quyết định về việc chuyển JASSM cho Ukraine, cũng như không rõ liệu Washington có áp đặt hạn chế tấn công đất Nga tương tự các vũ khí tầm xa hiện nay hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.