Tiền phạm tội, thu hồi trả lại hay bảo vệ người thứ 3 ngay tình?

17/12/2023 07:39 GMT+7

Trong các vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hay tham ô tài sản để chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức; tòa án đang có những nhận định khác nhau để thu hồi tiền về cho người bị hại.

Điển hình, trong vụ án Phạm Văn Cung, hồ sơ vụ án thể hiện từ năm 2015 - 2020, khi là trụ trì chùa Phước Quang tại tỉnh Vĩnh Long và còn giữ chức danh Giám đốc Trung tâm cô nhi viện Suối nguồn tình thương (Vĩnh Long), Cung đã tự đánh bóng tên tuổi của mình bằng cách tổ chức các sự kiện lễ Phật, phát quà từ thiện, quay clip rồi đăng lên mạng xã hội kêu gọi nuôi dưỡng các trẻ mồ côi… nhằm mục đích chiếm đoạt hơn 67 tỉ đồng của 4 bị hại.

Tiền phạm tội, thu hồi trả lại hay bảo vệ người thứ 3 ngay tình ? - Ảnh 1.

Minh họa: Dad

TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử sơ thẩm và TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên phạt Cung án chung thân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong vụ án là trách nhiệm dân sự.

Bản án buộc Cung và đồng phạm phải bồi thường cho người bị hại. Song, quá trình xét xử phúc thẩm, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đánh giá bản án sơ thẩm không tuyên buộc những người đã nhận được số tiền do người khác phạm tội mà có để thu hồi trả lại cho người bị hại là không đúng quy định pháp luật.

TIỀN PHẠM TỘI ĐÃ ĐƯỢC CHUYỂN HÓA, KHÔNG CÒN LÀ VẬT CHỨNG (!?)

Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, hồ sơ làm rõ được sau khi chiếm đoạt tiền, Cung đã chuyển hơn 75 tỉ đồng cho 261 người (xác định được nhân thân, lai lịch cụ thể) để bị cáo trả nợ vay trước đó, thanh toán các khoản sinh hoạt khác của bị cáo.

VKS cho rằng đây là tiền - tang vật của vụ án cần phải thu hồi để hoàn trả cho người bị hại. Nhưng tòa phúc thẩm nhận định những người nhận tiền của Cung không biết số tiền này do Cung phạm tội mà có, vì vậy đây là các giao dịch dân sự hợp pháp; đồng thời những người nhận tiền không đồng ý trả lại. Tiền lúc này là tài sản của chủ sở hữu đã nhận, khoản tiền không còn sự quản lý của bị cáo. Tiền là vật đặc định đã hòa trộn trong tài khoản của người nhận một cách ngay tình và được chuyển hóa qua việc thanh toán trong các giao dịch dân sự, do đó không còn là vật chứng trong vụ án nên không thu hồi trả cho các bị hại.

Ở một vụ án khác, Nguyễn Thị Mỹ Hoàng (thủ kho kiêm thủ quỹ Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV chi nhánh Long Xuyên, An Giang) tham ô tài sản hơn 28 tỉ đồng của BIDV Cái Dầu. Sau đó, Hoàng dùng tiền này để trả nợ cho ông H.H.H hơn 25,7 tỉ đồng bằng tiền mặt và chuyển khoản trả cho bà N.H.N.M 2,5 tỉ đồng.

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh An Giang và phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên bị cáo Hoàng 20 năm tù về tội tham ô tài sản; ngoài ra bị cáo còn bị tuyên 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của một người khác, tổng hợp hình phạt chung 30 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc Hoàng phải trả lại hơn 28 tỉ đồng cho BIDV, trong đó bà N.H.N.M phải trả lại cho Hoàng 2,5 tỉ đồng để bị cáo trả lại cho BIDV. Song, tháng 9.2023, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy phần trách nhiệm dân sự liên quan và yêu cầu cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng buộc ông H.H.H có trách nhiệm trả lại cho BIDV hơn 14,7 tỉ đồng. Bởi theo khoản 2 Điều 47 bộ luật Hình sự và điểm b khoản 3 Điều 106 bộ luật Tố tụng hình sự quy định về việc trả lại tài sản bị chiếm đoạt, vật chứng cho chủ sở hữu, thì Hoàng khai trả cho ông H. hơn 25,7 tỉ đồng, trong đó hơn 14,7 tỉ đồng chuyển qua tài khoản, được cơ quan điều tra xác minh, và ông H. thừa nhận, vì vậy buộc ông H. phải trả lại cho BIDV.

XỬ LÝ TRÊN NGUYÊN TẮC HÌNH SỰ

Theo luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM), đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt thì đây là tang vật của vụ án và buộc phải thu hồi trả lại cho người bị hại, theo Điều 106 bộ luật Tố tụng hình sự.

"Người thứ 3 ngay tình cũng được bảo vệ nhưng đây là vụ án hình sự, thì tang vật vụ án kiên quyết phải xử lý trên nguyên tắc hình sự. Để bảo vệ người thứ 3 ngay tình, tòa sẽ tách phần dân sự, tức quan hệ của người thứ 3 với bị cáo, ra riêng và sẽ được giải quyết trong một vụ án dân sự khi các bên có yêu cầu", LS Hoan nhấn mạnh.

Ông Hoan cũng đưa ra một dẫn chứng khác về vụ án hình sự mà ông từng tham gia bào chữa cho thân chủ mình. Đó là vụ Nguyễn Thị Duyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 9 tỉ đồng của nhiều người, trong đó có bà T.T.Y. TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm tuyên bị cáo Duyên 20 năm tù, về trách nhiệm dân sự buộc Duyên bồi thường cho bị hại. Sau đó, bị hại là bà T.T.Y kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm thu hồi tiền số tiền mà Duyên chiếm đoạt của mình trả nợ cho ông N.N.T.

TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà T.T.Y, nhận định gần 2,5 tỉ đồng ông N.N.T nhận từ Duyên có nguồn gốc là tiền Duyên lừa đảo của bà Y. Đây là nguồn tiền Duyên phạm tội mà có, dùng để trả nợ, và là vật chứng của vụ án nên cần áp dụng theo Điều 47 bộ luật Hình sự, cũng như Điều 167 bộ luật Dân sự quy định chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình, trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua người không có quyền định đoạt tài sản.

"Trong bản án của TAND cấp cao tại Hà Nội, HĐXX tòa này khẳng định tòa sơ thẩm xác định quan hệ giữa Duyên và ông T. là một giao dịch dân sự hợp pháp, để bảo vệ người thứ 3 ngay tình, nên không thu hồi lại gần 2,5 tỉ đồng từ ông T. trả lại cho người bị hại là không đúng quy định pháp luật", LS Hoan chia sẻ thêm.

CẦN CÓ ÁN LỆ?

Theo một thẩm phán của TAND TP.HCM, khi xác định được đường đi của dòng tiền phạm tội mà có, thì buộc phải thu hồi trở về để trả lại cho người bị hại. Trường hợp bên nhận tiền là người thứ 3 ngay tình và họ không biết tiền nhận có nguồn gốc từ phạm tội mà có, thì tòa cho họ quyền khởi kiện bị cáo trong một vụ kiện dân sự khác, liên quan giao dịch dân sự của các bên. Trường hợp xác định bị cáo dùng tiền phạm tội mà có tẩu tán bằng các hình thức mua tài sản, đưa người khác sử dụng mà người này biết nguồn tiền từ phạm tội mà có là đồng phạm cùng bị cáo trong hành vi rửa tiền, hoặc tội danh tương ứng khác.

Cũng theo vị thẩm phán này, việc cùng hành vi tương tự nhau nhưng cách xử lý, quan điểm xét xử khác nhau, thì để tránh trường hợp tòa tùy nghi nhận định để bảo vệ "bên cần bảo vệ", TAND tối cao nên tập hợp các bản án để đưa ra án lệ thống nhất trong xét xử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.