Tiến sĩ Abuza: Trung Quốc toan tính gì khi đưa tên lửa ra Hoàng Sa?

24/02/2016 11:05 GMT+7

Tại sao thông tin việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm xảy ra vào thời điểm này, và nó có ý nghĩa gì trên bàn cờ Biển Đông? Tiến sĩ Zachary Abuza (Mỹ) trả lời PV Thanh Niên .

Tại sao thông tin việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm xảy ra vào thời điểm này, và nó có ý nghĩa gì trên bàn cờ Biển Đông? Tiến sĩ Zachary Abuza (Mỹ) trả lời PV Thanh Niên.

Việc đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm tiếp tục là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động hung hăng trên Biển Đông - Ảnh minh họa: GoogleEarth/FoxtrotAlphaViệc đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm tiếp tục là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động hung hăng trên Biển Đông - Ảnh minh họa: GoogleEarth/FoxtrotAlpha

Trong tuần qua, câu chuyện Biển Đông có những diễn biến mới đáng lo ngại khi Trung Quốc có tin đã triển khai tên lửa phòng không HQ-9 đến Phú Lâm, hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Tính thời điểm

Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia Úc nghiên cứu về Biển Đông - và hãng tin Reuters đều nhận định động thái này của Trung Quốc là tín hiệu cho thấy rất có thể Bắc Kinh đang ôm tham vọng tiếp tục quân sự hóa tại quần đảo Trường Sa. Mặc dù vậy, thông tin này lại rò rỉ gần như cùng thời điểm với sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp lãnh đạo các nước ASEAN tại Sunnylands (bang California, Mỹ).

Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Zachary Abuza, Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ (NWC), chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á khẳng định, trước hết Trung Quốc hẳn có tính toán về mặt thời điểm trong diễn biến đưa tên lửa phòng không HQ-9 ra Hoàng Sa.

Các cơ sở Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng - Ảnh: Stratfor

“Tính thời điểm của vụ này khá đáng chú ý. Ông Tập Cận Bình đã nói với ông Obama rằng Trung Quốc không quân sự hóa những cơ sở mới được xây dựng trên Biển Đông. Nhưng Trung Quốc không cảm thấy bị ràng buộc về điều này tại quần đảo Hoàng Sa. Và tôi đoán là họ sẽ quân sự hóa các đảo san hô để đáp trả việc Mỹ triển khai các hoạt động tự do hàng hải (ở Biển Đông)”, ông Zachary Abuza nói với Thanh Niên.

Việc Trung Quốc cảm thấy “không ràng buộc” trong các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa được chứng minh trong phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22.2. Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng việc Trung Quốc có quân sự hóa là để bảo vệ “lãnh thổ của mình” (?) cũng chỉ tương tự việc Mỹ làm để bảo vệ đảo Hawaii. Trung Quốc không khẳng định hay bác bỏ cáo buộc đưa tên lửa ra Hoàng Sa, nhưng cho rằng có làm chuyện đó cũng là điều bình thường.

Cũng trong phát biểu hôm 22.2, bà Hoa một lần nữa tố ngược chính Mỹ đã gây căng thẳng trong khu vực vì những hoạt động tuần tra bằng tàu và máy bay. Điều này phù hợp với khẳng định của ông Zachary Abuza rằng Bắc Kinh muốn sử dụng điều này để đáp trả hoạt động chứng tỏ quyền tự do hàng hải của Mỹ, đơn cử như những lần Washington điều tàu đến sát các hòn đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng và chiếm đóng phi pháp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Không loại trừ khả năng hành động của Trung Quốc cũng là cách để Bắc Kinh "lên gân" với Mỹ - Ảnh: Reuters

Thông điệp 'dằn mặt' ASEAN?

Tiến sĩ Zachary Abuza, Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ (NWC), chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, việc Trung Quốc đưa tên lửa phòng không ra đảo trong thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ Mỹ - ASEAN cũng có thể sẽ là một tín hiệu Bắc Kinh dành cho ASEAN.

“Tôi đã trao đổi với một đồng nghiệp. Ông ấy cho rằng đây (hoạt động của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm) là tín hiệu gửi ASEAN rằng bất chấp Mỹ cam kết điều gì từ cuộc họp trên, cũng không thể ảnh hưởng tới các hoạt động của Trung Quốc. Tuy nhiên quan điểm của tôi là số tên lửa ấy có mục đích rõ ràng. Và tại sao thông tin này lại rò rỉ từ Đài Loan?”, ông Zachary Abuza cho biết.

Mục đích rõ ràng theo ý ông Abuza là Trung Quốc đang sẵn sàng trang bị thêm các thiết bị và cơ sở hạ tầng để thành lập Vùng nhận dạng phòng không (AZID) trên Biển Đông. Và như thế, “Mỹ sẽ có thêm nhiều điều để suy nghĩ khi Washington tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, theo tiến sĩ Zachary Abuza.

Mỹ sẽ im lặng khi ASEAN im lặng

Khi được hỏi về việc tại sao tuyên bố chung của cuộc gặp gỡ Mỹ - ASEAN vừa qua không nhắc tới Trung Quốc, Tiến sĩ Zachary Abuza cho biết vì tuyên bố này vẫn còn tiếp tục được điều chỉnh theo nguyên tắc nhất trí của ASEAN, và một số nước không đưa ra quan điểm chống Trung Quốc.

“Tôi nghĩ ASEAN sẽ không nói gì về động thái mới nhất của Trung Quốc. Họ xem quần đảo Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, và cũng không muốn bị lôi kéo vào câu chuyện”, ông Abuza nói.

Ngoài ra, Mỹ cũng nhiều khả năng sẽ ngưng hoặc giảm các cuộc đối đầu với Trung Quốc thông qua các hoạt động tuần tra ở Biển Đông nếu các nước trong khu vực không tham gia, theo ông Abuza.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.