Tiến sĩ dép lào đưa du khách lên... ngọn dừa ăn uống

22/01/2023 14:47 GMT+7

Năm 2018, việc ông Đoàn Văn Khanh - một nông dân ở Tiền Giang được Trường đại học Florida (Mỹ) trao bằng tiến sĩ danh dự nhờ sự đóng góp trong lĩnh vực y học cổ truyền đã khiến người dân địa phương hết sức thán phục.

Ông Đoàn Văn Khanh (thường gọi là Tư Khanh, 67 tuổi, ngụ xã Song Thuận, H.Châu Thành, Tiền Giang). Năm 16 tuổi, ông đã tham gia du kích và chỉ 2 năm sau được kết nạp vào Đảng, giữ chức Xã đội trưởng xã Song Thuận. Sau đó, ông được tham gia lực lượng bảo vệ cho ông Sáu Phong (bí danh của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết). Trong quá trình công tác, ông Tư Khanh bị thương liệt cánh tay phải, còn các ngón của bàn chân phải thì bị cong veo, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn lên đến 61%. Từ đó, ông không thể mang giày hoặc dép bao chân được nữa, suốt quãng đời còn lại chỉ có thể đi lại bằng... dép lào.

Du khách thích thú với Khu du lịch Ve Chai Thần Kỳ của ông Tư Khanh.

Là thương binh 2/4, nhưng ông Đoàn Văn Khanh không an phận nghỉ ngơi mà vẫn kiên trì phấn đấu, vượt khó tham gia công tác ở địa phương. Đến năm 1997, khi đang là Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành (Tiền Giang), ông Tư Khanh bất ngờ xin về hưu sớm để cùng vợ chăm lo vườn tược, lo cho 4 người con đang tuổi ăn học.

Năm 2006, trong khi bà con nông dân ở các xã Song Thuận, Vĩnh Kim... thi nhau cải tạo vườn tạp trồng bưởi và khu vườn bưởi rộng hơn 1 ha của gia đình ông cũng đang cho trái chiến, thì bỗng dưng rộ lên tin đồn “ăn bưởi bị ung thư” từ các thương lái, khiến nhà vườn lâm cảnh “được mùa mất giá”. Quá sốc với thủ đoạn này, ông Tư Khanh khăn gói lên TP.HCM để học lớp trung cấp y học cổ truyền. Ông trở thành tân sinh viên ở tuổi 51.

“Tôi học dược cổ truyền với một mục đích duy nhất là muốn mình có đủ cơ sở và phương pháp luận khoa học trong lĩnh vực y học để chứng minh cho thiên hạ thấy công dụng tuyệt vời của trái bưởi đối với sức khỏe con người. Và thật may mắn khi một số sản phẩm từ bưởi mà tôi nghiên cứu được như tinh dầu trị hói đầu, ngăn rụng tóc, sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ… đã được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Tuyệt vời nhất là năm 2018, Trường Đại học Florida (Mỹ) trao bằng tiến sĩ danh dự cho tôi về những đóng góp trong lĩnh vực y học cổ truyền”, ông Tư Khanh chia sẻ.

Ông Tư Khanh với những sản phẩm “cây nhà lá vườn” được trưng bày tại khu du lịch

BẮC BÌNH

Đưa du khách lên ngọn dừa… ăn uống

Năm 2013, ông Tư Khanh nhận thấy tiềm năng du lịch từ những vườn trái cây, vườn dừa và các món ẩm thực “không đâu có được” của quê mình là rất lớn nên ông quyết định trồng mới hơn 300 cây dừa sáp, dừa dứa một cách ngay hàng thẳng lối, bố trí bài bản để 7 năm sau đó ông thực hiện ý tưởng đưa du khách lên đọt dừa ngồi ăn uống, ngắm cảnh đẹp quê hương cho thêm phần thi vị.

“Tôi thấy rằng con người có nhu cầu vui chơi, giải trí từ trên cao nhìn xuống. Trong khi ở miền Tây thì đa phần các sản phẩm du lịch na ná nhau. Từ đó, tôi khát khao làm một điểm du lịch trên ngọn dừa mà ở đó, du khách được thưởng thức món ẩm thực được chế biến từ các sản phẩm thảo dược, thực phẩm sạch được trồng, nuôi ngay dưới chân mình”, ông Tư Khanh chia sẻ.

Ông Tư Khanh lại có thêm ý tưởng mới là thu gom các chai nhựa phế liệu về rửa sạch, dồn các túi nhựa vào trong và kết các chai lại để làm các bức tường, căn lều, ghế ngồi… phục vụ cho du khách. Từ năm 2018 đến 2021, ông đã thu thập, tận dụng hơn 1 triệu chai nhựa, cả tấn bọc ni lông phế liệu để hiện thực hóa ý tưởng này. Và rồi, khu du lịch trên ngọn dừa của ông Tư Khanh được đặt tên là “Ve Chai Thần Kỳ”, gắn với chất liệu gầy dựng nên nó.

“Tôi thấy các vật dụng bằng nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ý thức nhiều người trong vấn đề này còn rất hạn chế. Do đó, tôi muốn những ai đến với khu du lịch này khi về sẽ quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sống nhiều hơn, đặc biệt là có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn nạn rác thải nhựa”, ông Tư Khanh tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.