Tiến sĩ Đoàn Quang Huy và kỷ niệm chiên 100 con vịt

26/03/2021 14:58 GMT+7

‘100kg thịt phải thái mỏng nướng làm bún chả, 150 bìa đậu phải rán, gần 100 con vịt phải chiên… Tôi vẫn nhớ em Đậu Tiến người chiên thịt bảo: Sau đợt này chắc em sợ mùi vịt đến 1 năm', tiến sĩ Đoàn Quang Huy kể.

Đó là năm 2017, khi mà tiến sĩ Đoàn Quang Huy cùng các thanh niên Việt Nam tại Đức cùng tổ chức Sivita Summer Camp Jena - Hội trại thanh niên sinh viên tại thành phố Jena.
Hôm nay, 26.3, kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn. Tiến sĩ Đoàn Quang Huy, hiện là giảng viên Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) có dịp kể lại với phóng viên Báo Thanh Niên những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất của anh, khi anh là Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức.

2 ngày và 600 quan khách

Tiến sĩ Huy kể, Jena là một thành phố khoa học, công nghệ, nhỏ nhắn, xinh xắn bên cạnh bờ sông Saale. Hội trại có sự tham dự của khoảng gần 600 quan khách và các bạn sinh viên, diễn ra trong 2 ngày 26 và 27.8. Trong Hội trại rất nhiều hoạt động được diễn ra, bao gồm các hội thảo khoa học, hội thảo hướng nghiệp, và các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao, văn hóa khác.
Chỉ có khoảng 40 tình nguyện viên lo chương trình, trong đó 3/4 là nữ và gần như tất cả mọi người vẫn còn phải đi làm thêm. Mọi người đều phải tự làm mọi thứ từ A tới Z và thách thức là phải tạo được 1 chương trình hấp dẫn, thu hút đông đảo lưu học sinh từ khắp các thành phố khác cùng tới tham gia.

Tiến sĩ Huy thời gian thực hiện hội trại 2017

Ảnh NVCC

Đó là những ngày tuổi trẻ máu lửa, cực vui, cực điên cuồng. Tiến sĩ Huy còn nhớ sau đêm lửa trại các anh trở về nhà lúc 6 giờ 30 sáng (những trời thì vẫn rất tối) sau khi hoàn thành việc dọn dẹp công viên Paradise và phải thức dậy lúc 8 giờ 30 để đi làm.
Đó là những chuỗi ngày nhiều anh chị em tình nguyện viên làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya. Đó là 100 kg thịt phải thái mỏng để nướng làm bún chả, 150 bìa đậu phải rán, gần 100 con vịt phải chiên… Tiệc đốt lửa trại, mọi người uống hết khoảng… 300 lít bia, ăn hết 100 lít cháo!
“Tôi vẫn nhớ em Đậu Tiến, chuyên gia chiên vịt bảo rằng 'Sau đợt này chắc em phải sợ mùi vịt đến 1 năm anh ạ'. Sau Sivita, tôi đã ngủ liền một mạch 12 tiếng và thức dậy giữa trưa ngày thứ hai với đôi chân tập tễnh vì bỏng rộp và đau nhức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng các trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2020, tiến sĩ Huy thứ 2 từ phải qua

Ảnh Huy Đoàn

Bù lại những vất vả đó, Sivita 2017 là một sự kiện không thể nào quên trong cuộc đời lưu học sinh của chúng tôi. Những khó khăn, vất vả thực sự không thấm vào đâu so với những trái tim cháy bỏng, nhiệt huyết của những chàng trai cô gái Việt Nam ở xứ người, đội ngũ tình nguyện viên, cộng đồng người người Việt ở Jena và những người bạn đáng mến từ Hannover, Hamburg, Berlin, Hannover, Dresden, Leipzig, München, Damstadt, Franfurkt, Erfurt…”, anh xúc động.

Hãy dấn thân

Đó là thông điệp tiến sĩ Huy luôn nhắn gửi sinh viên của mình. Anh chia sẻ, giảng đường ĐH không chỉ là nơi học tập kiến thức chuyên môn, nó còn là nơi để rèn luyện cho các bạn sinh viên các kỹ năng mềm, thái độ sống tích cực và tích luỹ những kinh nghiệm trong cuộc sống. “Hãy dấn thân” là chìa khoá mà anh chia sẻ với các bạn trẻ và tin tưởng, với sự nhiệt huyết, năng động, sống hết mình, học tập hết mình, các bạn trẻ chắc chắn sẽ thành công.
Tiến sĩ Huy bộc bạch, những năm tháng sống cùng Đoàn, Hội đã giúp anh trưởng thành hơn. Đó là tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì vượt mọi gian khó trong cuộc sống, công việc, và thái độ sống hết mình với mọi người. Đây cũng là những yếu tố quan trọng giúp anh có được ngày hôm nay.

Tiến sĩ Huy phát biểu tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cuối năm 2020

Ảnh Bảo Anh

Anh bộc bạch: “Bây giờ, bên tôi vẫn là văng vẳng những tiếng cười nói, tiếng đàn ghi ta, những chia sẻ hết sức thật lòng của khách mời trong diễn đàn Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và việc làm ở hội trại 2017. Thời gian tham gia hoạt động Đoàn, Hội sôi nổi, chúng tôi đã có may mắn được trải nghiệm sự liều lĩnh, máu lửa của tuổi trẻ và chợt nhận ra chúng ta chỉ có thể trưởng thành khi chúng ta được trao quyền, trao cơ hội để đối mặt với những khó khăn thử thách”.

Tiến sĩ Huy và thông điệp “well-being”

Tiến sĩ Đoàn Quang Huy (34 tuổi) sôi nổi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, đặc biệt là trong thời gian anh làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH tổng hợp Friedrich-Schiller-Jena, Đức.
Tại đây, tiến sĩ Huy là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại thành phố Jena, và sau đó là Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đức (SiviDuc). Năm 2017, anh được nhận bằng khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức vì những thành tích xuất sắc trong học tập và phong trào sinh viên.
Tiến sĩ Huy hiện là thành viên Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Cuối năm 2020, tiến sĩ Huy là một trong những đại biểu tham gia Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tại TP.HCM. Tại đây, anh có bài phát biểu đề dẫn, nhắc đến khái niệm “Well-being" khi nói về Việt Nam 2045.
"Well-being dịch ra là hạnh phúc nhưng không chỉ là hạnh phúc đơn thuần mà là tổng thể sức khỏe, sự hài lòng trong cuộc sống và sự thịnh vượng. Well-being phản ánh sự hạnh phúc cả về mặt chất và mặt lượng. Nó gồm hai thành tố hạnh phúc khách quan - phản ánh các điều kiện sống đều được đảm bảo và hạnh phúc chủ quan - sự hài lòng của người dân. Để đạt được hạnh phúc chủ quan, trước hết phải đạt được hạnh phúc khách quan. Hay nói cách khác, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân là nền tảng quan trọng để hướng tới Việt Nam 2045 phát triển thịnh vượng", tiến sĩ Đoàn Quang Huy phát biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.