Nhưng lương 6 triệu đồng/tháng chưa phải thấp nhất đâu vì trường tôi cũng là một đại học ở tỉnh, có tiến sĩ trẻ lương chỉ 5,4 triệu đồng/tháng. Giảng viên này mới nhận bằng tiến sĩ giữa năm 2022, hệ số lương 2,67. Muốn tăng lương, phải thi nâng ngạch từ giảng viên hạng III lên hạng II (giảng viên chính). Nhưng muốn thi thì phải đủ số năm công tác, các loại chứng chỉ và phải có đợt thi chứ không phải muốn là được. Ngoài tiền lương, trường chúng tôi còn có thu nhập tăng thêm được chi trả theo từng quý căn cứ vào mức xếp loại viên chức, trong đó mức cao nhất khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tiền vượt giờ nếu có đối với giảng viên hạng III cũng bằng với mức 70.000 đồng/giờ.
Chia sẻ của một tiến sĩ ở nước ngoài về công tác ở trường công với mức lương 6 triệu đồng/tháng khiến dư luận bất ngờ |
chụp màn hình |
Phải làm thêm mới đủ sống
Nhưng không phải ai cũng có giờ vượt (thường là giảng viên dạy các môn đại cương như ngoại ngữ, lý luận chính trị… mới có). Nếu giảng dạy các môn chuyên ngành thì cho dù có phụ trách 3 hay 4 học phần cũng chỉ đủ giờ chuẩn mà thôi. Ngoài giảng dạy, giảng viên còn phải thực hiện nghiên cứu khoa học theo định mức, làm công tác cố vấn học tập và một số công việc khác khi được phân công. Bởi vậy, nếu không được gia đình hỗ trợ hoặc làm thêm việc khác thì lương giảng viên chỉ có thể đủ nuôi bản thân, đừng nghĩ đến nuôi con.
Ở nơi tôi công tác, từ chuyên viên cho đến giảng viên, rất nhiều người có thêm “nghề tay trái” mà đôi khi nghề này lại cho thu nhập cao hơn “nghề tay phải”. Mọi người hay đùa là cứ dạo một vòng quanh Facebook cán bộ trường mình là có đủ hết, chẳng cần ra chợ. Có người bán thức ăn, người bán quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, người môi giới bất động sản…Từ cái nhỏ nhất giá vài chục ngàn đến cái to nhất vài ba tỉ đồng đều có cán bộ trường bán.
Số đông giảng viên không sống bằng đồng lương
Giảng viên thường ngậm ngùi nói giảm hoặc nói tránh mỗi khi ai đó hỏi “lương thầy/cô bao nhiêu?”. Mọi người vẫn đang sống, có người sống tốt nhưng số đông không sống bằng mỗi đồng lương giảng viên. Và nhìn rộng ra ngoài xã hội thì hầu như công chức làm công ăn lương ai cũng đều phải kiếm thêm một công việc khác. Thực tế hiện nay nghề phụ đang giúp các thầy cô nuôi dưỡng đam mê, tiếp tục sự nghiệp giáo dục mà mình đã trót yêu và chọn lựa.
Nhiều giảng viên ở tỉnh nếu có điều kiện sẽ chuyển công tác về các thành phố lớn để có cơ hội phát triển và thu nhập tốt (ảnh minh họa) |
đào ngọc thạch |
Một số giảng viên có cơ hội việc làm tốt ở môi trường khác thì lần lượt nghỉ việc, chuyển công tác, chủ yếu vào TP.HCM, Đà Nẵng để có thể sống được bằng đúng chuyên môn chứ không phải tất bật làm thêm. Đã có lần cùng một lúc 5 tiến sĩ của một khoa trường tôi đang công tác xin nghỉ việc, chuyển đi nơi khác, trong đó có 2 phó giáo sư là lãnh đạo khoa. Ai cũng mừng cho các anh chị đồng nghiệp đến được nơi công tác mới với những cơ hội phát triển và thu nhập tốt.
Giá cả hàng hóa, dịch vụ ngày càng tăng với tốc độ nhanh hơn tăng lương của mọi công chức, người lao động, trong đó có giáo viên. Mất cả thanh xuân để học hành, sống với đam mê nên không phải nói bỏ việc là bỏ được ngay cho dù lương không tương xứng với công sức bỏ ra. Bởi vậy, thay vì ngồi buồn than lương 6 triệu đồng/tháng không đủ sống, chúng tôi vẫn đang tự cứu lấy mình bằng tất cả những công việc lương thiện khác mà mình có thể làm được. Chỉ khi nào không cố thêm được nữa thì mới đành phải… buông tay!
Bình luận (0)