Tiến sĩ tâm lý hướng dẫn học sinh sớm bắt nhịp việc học sau tết

16/02/2024 16:08 GMT+7

Theo tiến sĩ Giang Thiên Vũ, giảng viên khoa tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, học sinh có sức ì tâm lý là hiển nhiên sau kỳ nghỉ dài. Vì vậy, tiến sĩ Vũ đưa ra những hướng dẫn giúp học sinh nhẹ nhàng bắt nhịp việc học sau tết.

Tiến sĩ tâm lý hướng dẫn học sinh sớm bắt nhịp việc học sau tết- Ảnh 1.

Giáo viên sẽ có nhiều hình thức để giúp học sinh bắt nhịp việc học sau tết

BẢO CHÂU

Sau tết, có phải học sinh ham chơi, chây lười?

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ cho rằng trước và sau kỳ nghỉ lễ dài, cảm xúc đối với việc học của học sinh rất khác biệt. Chúng ta thường hay nhầm lẫn đó là sự ham chơi, chây lười hoặc nuông chiều cảm xúc.

Theo tiến sĩ Vũ, trước tết thì người lớn hay nói các con "ham vui, thích chơi nhiều hơn là học" và người lớn cũng tất bật chuẩn bị cho tết mà "nuông chiều" các con. Sau tết, cả người lớn và trẻ nhỏ đều quay lại với việc học, việc làm. Với người lớn, chúng ta nhanh chóng "khởi động lại chính mình" vì đã thích ứng lâu với nhịp sống, nhịp công việc. Nhưng với các con thì sự "khởi động lại" này có đôi phần chậm hơn bởi thiếu kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm.

"Đôi khi các cha mẹ không hiểu hoặc không đồng cảm được sự "thiếu hụt tất yếu" này của các con nên lại vô tình 'gắn nhãn' cho con là lười, là ham chơi, là 'còn mê tết'... Do các con chưa đủ lớn và chưa đủ trải nghiệm như cha mẹ nên cha mẹ không thể lấy góc nhìn của người lớn để soi vào lăng kính của con trẻ được", tiến sĩ Giang Thiên Vũ phân tích.

Phụ huynh và giáo viên giúp học sinh bắt nhịp việc học

Để học sinh từng bước hòa nhịp lại với guồng quay học tập, ở góc độ của nhà tâm lý về học đường, tiến sĩ Thiên Vũ cho rằng sự hiểu biết và đồng cảm trong khác biệt cảm xúc học tập trước và sau tết của học sinh là điều tất yếu. Vì vậy cha mẹ và thầy cô nên có nhận thức đúng về vấn đề này để trao đổi, trò chuyện với các con. Tránh sự áp đặt hoặc "đóng khung" quá mức khiến các con cảm thấy căng thẳng và trở nên phòng vệ, giảm các chức năng tư duy, ghi nhớ hoặc chú ý trong các hoạt động học tập, vui chơi. Ngoài ra, cha mẹ, thầy cô cần có những lời động viên, ghi nhận những nỗ lực khởi động bắt nhịp việc học của con từ những cử chỉ, động thái nhỏ nhất để củng cố hành vi tích cực cho con. Sự chuẩn bị quần áo, giày đẹp trước khi đi học, hoặc sắp xếp ngay ngắn góc học tập, bọc bìa sách cẩn thận hoặc thay đổi bút, vở mới cho năm mới... đều cần được ghi nhận.

Tiến sĩ tâm lý hướng dẫn học sinh sớm bắt nhịp việc học sau tết- Ảnh 2.

Học sinh chủ động trở lại với việc học

BẢO CHÂU


Học sinh nên làm gì?

Theo tiến sĩ Giang Thiên Vũ, học sinh cũng cần hiểu rõ rằng bản thân các em vừa trải qua kỳ nghỉ dài và sức ì tâm lý là điều hiển nhiên trong thời điểm này. Các em cần hiểu rõ bản thân sẽ cần khoảng 1-2 tuần để khởi động lại việc học. Và cha mẹ, thầy cô sẽ đồng hành cùng các em trên chặng đường đó. Các thầy cô sẽ không quá áp lực bài kiểm tra, thi cử ở thời điểm sau tết cũng như cha mẹ sẽ không quá đặt nặng vấn đề học nhanh, hiểu nhanh mà sẽ cho các em thời gian để thích ứng trở lại với việc học. Do đó, các em hãy từng bước chủ động hòa nhập lại việc học.

Các em có thể bắt đầu từ việc đặt và thực hiện mục tiêu học tập cho năm mới hoặc tổ chức học nhóm cùng nhau để cùng nâng đỡ và tạo động lực học cho nhau. Việc xác định rõ mục tiêu học tập với các chặng thời gian hợp lý trong khoảng 3 tháng học còn lại sẽ là "chiếc chìa khóa thần kỳ" giúp các em từng bước khởi động lại việc học và tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mình.

"Các em hãy luôn nhớ rằng, trong chặng đường học tập của mình luôn có sự đồng hành và hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô. Còn nếu trong trường hợp các em cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp hơn để giúp bản thân thích ứng nhanh và hiệu quả hơn trong quá trình bắt nhịp với việc học sau kỳ nghỉ tết, các em hãy tìm đến sự hỗ trợ của thầy cô làm tư vấn tâm lý ở trường. Thầy cô sẽ cho các em những lời khuyên hoặc gợi mở phù hợp cho vấn đề gặp phải trong học tập của mình", tiến sĩ Giang Thiên Vũ khuyên.

Tiến sĩ tâm lý hướng dẫn học sinh sớm bắt nhịp việc học sau tết- Ảnh 3.

Hiệu trưởng gửi thư đến học sinh sau kỳ nghỉ tết

Trước khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thạc sĩ Lê Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1, TP.HCM), đã gửi lời chia sẻ đến học sinh để các em sẵn sàng chuẩn bị cho một học kỳ hứng khởi và nhiều trải nghiệm tích cực.

Trên Fanpage của Trường tiểu học Phan Văn Trị có đăng tâm sự của thầy Lê Hồng Thái với nội dung:

Tết cổ truyền đã qua, những ngày tháng sum vầy, ấm áp bên gia đình đang dần khép lại để mở ra một kỳ học mới đầy phấn khởi. Thầy tin là các con đã có những khoảnh khắc tràn đầy niềm vui và đã sẵn sàng để bước vào hành trình học tập mới. Thầy cô sẽ rất vui nếu các con:

Chuẩn bị sẵn sàng tâm thế. Các con hãy nhớ rằng: Sau những ngày nghỉ tết, chúng ta sẽ quay trở lại trường với những hoạt động học tập như thường lệ. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ để bắt đầu ngày mới với năng lượng tích cực nhất.

Chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập. Các con có thể cùng anh chị mình thi đua chuẩn bị để xem ai làm tốt hơn nhé.

Hãy thiết lập một lịch trình thời gian biểu hợp lý và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ trước khi đi ngủ để sáng thứ hai (19.2) đến trường đúng giờ. Điều này sẽ giúp các con có tinh thần tỉnh táo, năng động khi thức dậy mỗi ngày.

Chia sẻ niềm vui với bạn bè, thầy cô. Khi quay trở lại trường, hãy chia sẻ những khoảnh khắc vui vầy trong ngày tết với bạn bè, thầy cô. Thầy tin rằng điều này sẽ giúp tạo ra một bầu không khí tràn đầy năng lượng và tạo động lực học tập tích cực cho cả lớp.

Chúc các con có một kỳ học mới tràn đầy niềm vui và gặt hái được nhiều thành công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.