Ngày 29.03, tiến sĩ Hồ Xuân Mai, Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ (KHXHNB) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã gửi đơn khiếu nại đến Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông Mai tố cáo GS.TS Phạm Văn Đức, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội bao che sai trái của học viên.
Cụ thể, ông Mai cho biết tháng 11.2017, ông có gửi thư cho Giám đốc Học viện, thông báo luận án tiến sĩ của bà Trần Phương Nguyên, cán bộ của Viện KHXHNB, học viên của Học viện, là sao chép. Ông Phạm Văn Đức không trả lời. Sau đó, trong “Thông báo kết luận” do PGS.TS Bùi Nguyên Khánh (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) ký ngày 15.1.2018, ông Phạm Văn Đức cho rằng những lỗi như vậy là do “trích dẫn chưa chuyên nghiệp, không có dấu hiệu đạo văn”. Ông Mai cho rằng đây là thái độ ngụy biện, hành động bao che của ban lãnh đạo học viện.
Trước đó, ngày 1.11.2017, Học viện Khoa học Xã hội đã nhận được của tiến sĩ Mai tố cáo tiến sĩ Nguyên đạo văn trong công trình luận án tiến sĩ với đề tài Cảnh huống ngôn ngữ ở cộng đồng Chăm tại TP.HCM được bảo vệ tại Học viện năm 2014. Theo ông Mai, luận án tiến sĩ của tác giả Trần Phương Nguyên sao chép nhiều đoạn từ 2 quyển sách Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản (xuất bản năm 1999) và Kế hoạch hóa ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô (xuất bản năm 2003) của GS-TS Nguyễn Văn Khang. Học viện đã lập hội đồng thẩm định xem xét luận án tiến sĩ của bà Nguyên. Sau khi thẩm định, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội đã kết luận không có việc đạo văn trong công trình này. Đề tài có đóng góp mới, ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu... Kết luận chỉ cho rằng luận án chưa chuyên nghiệp trong các trích dẫn từ trang 17 - 24.
Sau khi có kết luận, ông Mai tuyên bố việc trích dẫn như vậy là đạo văn và sẽ tiếp tục tố cáo lên cấp cao hơn.
Bình luận (0)