Học đại học để làm gì? | Kỳ 3: TS Trần Vinh Dự - Mỗi người cần có "cột phát sóng" khi học đại học
Thưa ông, trong suốt quá trình mà chúng tôi đi tìm hiểu, phỏng vấn phụ huynh cũng như các học sinh với câu hỏi "Học đại học để làm gì?", đa phần những câu trả lời ghi nhận được là họ muốn có được một ngành, một nghề sau đó rồi làm việc rồi kiếm tiền. Như vậy, ông là một người làm về tài chính, đặc biệt là nghiên cứu chuyên sâu, theo ông thì học đại học để làm gì?
TS. Trần Vinh Dự: Tôi nghĩ đấy là một câu hỏi hay. Khi tốt nghiệp THPT, muốn trở thành một người có ích cho xã hội, có thể kiếm tiền, nuôi sống bản thân, hỗ trợ gia đình và là một người độc lập về mặt tài chính thì đó là một mong muốn chính đáng. Là người trưởng thành, ai cũng cần phải tự trả lời được cho mình câu hỏi đó.
Nhưng để trả lời câu hỏi đó thì lại là một cái câu chuyện rất khác. Tôi không nghĩ là ai cũng phải học đại học. Và tôi cũng không nghĩ học đại học là con đường duy nhất để thành công. Không nhất thiết phải học đại học mới kiếm được tiền hay trở thành người nổi tiếng và làm người có ích cho xã hội.
Học đại học là một câu chuyện có thì tốt nhưng không phải điều kiện cần mà cũng không phải là điều kiện đủ. Học đại học nếu có thì rất là tốt vì đó là một khoản đầu tư rất lớn. Về mặt tài chính, bố mẹ phải bỏ ra lượng tiền rất nhiều. Về mặt thời gian thì sinh viên cũng phải bỏ ra một khoảng thời gian rất dài để học. Trong khi có những thứ mình học ở đại học nhưng không phải tất cả đều áp dụng trong công việc sau này. Có nhiều thứ mình sẽ quên đi, gọi là đầu tư mà không sinh lợi, ở rất nhiều những môn học. Đó là một quyết định rất trọng yếu, cần phải cân nhắc kỹ.
Có phải học đại học để kiếm một nghề và kiếm thật nhiều tiền không, thưa ông?
Nhận định học đại học để có một cái nghề cũng là một nhận xét tương đối cảm tính và có thể sai. Chuyện học đại học để có bằng cấp xịn giống như một tín hiệu gửi tới thị trường, để người ta thấy mình là người có năng lực, mình là người có quyết tâm, mình là người mà có thể học ở những môi trường rất là khắc nghiệt. Người học gửi ra một tín hiệu để khi người ta đọc CV, lý lịch cơ bản, người ta thấy bạn đã trải qua được cái quá trình tôi luyện thì người ta sẽ nhìn bạn là một người mà có khả năng thích nghi cao, thích hợp với công việc đòi hỏi cao.
Không phải là người ta cần bạn ngay lập tức phải có đầy đủ các kỹ năng để trong ngày đầu tiên đã làm đúng được những công việc người ta muốn. Bởi vì các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, họ đều có thể hệ thống tuyển dụng và đào tạo nội bộ để giúp bạn có thể nhanh chóng làm được những việc mà họ yêu cầu.
Ngay cả trong bài diễn văn mà giới báo chí chúng tôi gọi là bài diễn văn "chấn động" của ông cách đây hơn 10 năm, ông cũng có nói một ý. Đó là mỗi người chúng ta sẽ tìm ra được nghề mà mình yêu thích và theo đuổi nó với cả năng lượng của mình và những gì mình có thể. Vậy với thí sinh sẽ phải cân nhắc như thế nào về ngành nghề yêu thích của mình trong việc chọn ngành nghề khi học đại học, thưa ông?
Đó là câu hỏi cực kỳ khó và sẽ không có nhiều bạn trả lời được sớm đâu. Tốt nghiệp THPT, các bạn sẽ có một hình dung nhất định nào đó, có thể có sự hiểu biết sơ bộ về một vài dạng ngành nghề đặc thù nào đó và có thể bạn sẽ có một sự yêu thích ngành nghề nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là cái yêu thích đó là cái yêu thích chính xác.
Bởi vì sau này khi đi làm và có thể sau 1 năm, 2 năm chẳng hạn, các bạn có thể nhận ra đây thực sự là không phải là thứ mình hình dung. Thay đổi ngành nghề là một câu chuyện bình thường. Bản thân tôi cũng đã từng thay đổi nghề. Khi tôi đi học đại học rồi học thạc sĩ, học tiến sĩ thì tôi học về kinh tế nhưng bây giờ thì tôi đang làm tài chính, liên quan đến tài chính doanh nghiệp, là thứ mà hồi trước tôi không được đào tạo.
Vì thế tôi nghĩ các bạn cũng đừng hoang mang quá, đừng tạo áp lực cho mình quá ngay trong thời gian đầu là phải chọn đúng nghề ngay. Tại vì bản thân mình nhiều khi không hiểu mình. Chuyện đó cũng bình thường. Có chọn sai thì cũng không phải là sụp đổ mọi thứ mà mình nên rèn giũa những kỹ năng. Trong đó, tôi nghĩ một trong những kỹ năng quan trọng nhất là có thể tự học. Sau này dù là mình phải đi theo một ngành nghề mới, làm công việc mới và mình có thể chưa biết thì cũng có thể tự học, tự tìm hiểu.
Ông có chia sẻ hoặc có lời khuyên gì dành cho các bạn Gen Z đang học cũng như sắp bước vào ngưỡng cửa đại học?
Nếu có lời khuyên cho các bạn, tôi muốn các bạn nhớ đến chữ signalling - tạo cho mình một "cột phát sóng". Mình phải xây dựng cho mình những tố chất tốt mà người khác đánh giá cao. "Cột phát sóng" phải đủ mạnh để cho những người khác biết được. Có một từ khác là người Việt mình hay xài là "xây dựng thương hiệu cá nhân". Thật ra thì 4-5 năm đại học rất dài và nên tập trung nghĩ đến câu chuyện đó để khi ra trường, thậm chí là trước khi ra trường, người khác có thể biết đến các bạn, người ta muốn giúp các bạn, muốn đem cơ hội cho các bạn.
Nếu các bạn không muốn làm việc cho một công ty, tổ chức mà muốn bán lại giá trị nào đó cho xã hội, chẳng hạn làm TikTok và kiếm tiền từ TikTok. Mình cũng sẽ phải tìm hiểu xem xã hội cần gì và mình có gì, tìm hiểu nơi mình muốn đến, việc sau này mình muốn làm người ta đang cần gì để xây dựng tố chất đáp ứng được điều đó.
Là một người đã đi trước với cái nhìn rộng mở hơn đối với con đường học đại học, ông có lời khuyên gì dành cho phụ huynh cũng như học sinh?
Đối với quý phụ huynh, tôi nghĩ là có một quan niệm thời xưa khá nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến các bạn trẻ. Đó là chuyện phụ huynh tạo áp lực không cần thiết cho con cái là "phải học đại học". Quan niệm phải học đại học mới thành công trong cuộc sống và phải học đại học thì mới được xã hội nhìn nhận đánh giá cao, tôi nghĩ là quan điểm rất lỗi thời rồi. Phụ huynh nên học cách nhìn nhận, đánh giá con mình một cách tổng quát hơn. Hệ quy chiếu nên là: con mình sau này nó có giá trị gì cho xã hội hay không, có cần phát triển những tố chất cần thiết để có thể sống một cuộc đời độc lập về mặt tài chính, về mặt công việc và đóng góp cho xã hội, những giá trị mà xã hội cần. Nếu mà nhìn nhận theo cách đó thì phụ huynh có thể cho thấy con mình giỏi hơn mình nghĩ rất là nhiều.
Phụ huynh nên mở rộng hệ quy chiếu để đánh giá con cái mình giúp các bạn có cơ hội được thể hiện năng lực cá nhân hơn, được sống đúng với những gì các bạn muốn. Nếu các bạn thực sự muốn vào một trường đại học nào đó mà các bạn ấy quyết tâm vào trường đó thì mình nên hỗ trợ.
Còn phía các bạn trẻ, các bạn cũng không nên quá áp lực với câu chuyện là phải vào được trường đại học A hay trường học B, hay phải đỗ với điểm cao. Cái mà tôi muốn nhìn thấy là các bạn có một đam mê và theo đuổi đam mê đó. Dù đam mê đó là vào đại học hay chơi thể thao hay chơi game hay xây dựng kênh YouTube thì nên có đam mê. Đam mê càng mạnh bao nhiêu thì càng tạo ra nguồn năng lượng để các bạn chiến đấu hết mình cho cái đam mê đó và khả năng thành công sẽ cao hơn.
Bình luận (0)