Tiền số nhào lộn, nhà đầu tư chóng mặt

20/04/2021 06:18 GMT+7

Giá Bitcoin lập đỉnh lịch sử mới trên 64.000 USD, nhưng chỉ kéo dài không bao lâu đã quay đầu rơi thẳng đứng xuống sát 50.000 USD khiến các nhà đầu tư quay cuồng.

Lên cao vút, xuống mất hút

Giá Bitcoin vừa lập đỉnh cao lịch sử mới khi vượt qua ngưỡng 64.000 USD trong đầu tuần qua thì sau đó đã liên tục đi xuống.
Trong ngày 18.4, giá loại tiền số này đã ở sát mức 51.000 USD, mất hơn 12.000 USD chỉ sau 4 ngày. Đến 17 giờ hôm qua (19.4), mỗi Bitcoin được giao dịch trên 57.000 USD. Tính chung trong vòng 6 tháng trở lại đây, giá Bitcoin tăng 450% và hiện tại, Bitcoin đã gấp hơn 8 lần của cùng kỳ năm trước.
Không chỉ Bitcoin, giá tiền số lớn thứ nhì thế giới là Ethereum cũng thiết lập kỷ lục mới lên sát 2.300 USD trong tuần qua, cao gấp hơn 17 lần so với tháng 4.2020… Thị trường tiền số “nổi sóng” mạnh trong tháng 4 và đặc biệt Bitcoin lập đỉnh mới chỉ trước một ngày sàn giao dịch tiền số lớn nhất của Mỹ là Coinbase phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào ngày 14.4 với giá trị vốn hóa có lúc vượt 110 tỉ USD.
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) tiền số cho rằng cuộc chào sàn của Coinbase có thể được xem như một dấu hiệu cho thấy tiền kỹ thuật số nhận được sự chấp nhận ngày càng rộng rãi của giới đầu tư và các định chế tài chính, cũng như có những bước tiến quan trọng để trở thành một phương tiện thanh toán… Đó là những thông tin tích cực khiến giá các đồng tiền số tăng vọt. Nhưng ngược lại, việc có lúc mất gần 10.000 USD chỉ trong ngày chủ nhật vừa qua được trang Coinmarketcap lý giải rằng việc vùng Tân Cương của Trung Quốc bị mất điện có thể chính là lý do khiến tiền số lớn nhất thế giới bị bán tháo? Nhưng cũng có NĐT cho rằng cú rớt mạnh đó là do Bộ Tài chính Mỹ thể hiện sẽ sớm tiến hành trấn áp hoạt động rửa tiền được thực hiện thông qua các tài sản kỹ thuật số...

Tăng giảm bằng niềm tin

Mặc dù giá Bitcoin và nhiều tiền số đã tăng mạnh, nhưng vẫn không có gì chắc chắn về giá trị các loại tiền này khi nó vẫn chưa được công nhận là phương tiện thanh toán. Đó là chưa kể rất nhiều quốc gia cũng không cho phép các hoạt động giao dịch về tiền số. Vì thế, giá giao dịch của các đồng tiền số này luôn tăng giảm theo những thông tin tích cực hay tiêu cực trên thị trường hoặc thậm chí từ những người có ảnh hưởng. Chẳng hạn, tỉ phú Elon Musk (Mỹ) chỉ cần đưa ra một dòng trên Twitter cho biết Bitcoin “đang trên đà được các nhà đầu tư chấp nhận rộng rãi hơn” hay thậm chí, chỉ cần vị tỉ phú sử dụng hashtag ghi “#bitcoin” trên trang Twitter cá nhân cũng đẩy đồng tiền điện tử tăng vọt vài chục phần trăm.
Mới đây, điều đó cũng diễn ra tương tự với tiền ảo Dogecoin. Loại tiền số này tăng phi mã hơn 110% vào ngày 16.4 chỉ từ vài lời “tung hô” của tỉ phú Elon Musk và chuyên gia đầu tư Mark Cuban. Nhưng chỉ sau 1 đêm, đến ngày 17.4 đồng tiền này lại nhanh chóng giảm giá sâu đến 26%.
Sự phát triển nhanh chóng của Bitcoin và tiền số vẫn được nhiều quốc gia cho là không có cơ sở, thậm chí liên quan đến hoạt động tội phạm... Đó là lý do để Bộ Tài chính Mỹ thể hiện sẽ sớm tiến hành trấn áp hoạt động rửa tiền được thực hiện thông qua các tài sản kỹ thuật số. Hay trước đó, ông Jerome Powell, Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã nhận định Bitcoin “hơi giống vàng” đóng vai trò là phương tiện để đầu cơ hơn là thanh toán. Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, cũng từng đề cập lo ngại Bitcoin sẽ trở thành phương tiện cho các hoạt động tội phạm. Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh cấm sử dụng tiền ảo để thanh toán từ ngày 30.4. Cơ quan này cho rằng mức độ ẩn danh đằng sau các loại tiền ảo mang lại nguy cơ thua lỗ “không thể phục hồi”…
TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain - Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, nhận định giao dịch trên thị trường tiền số chủ yếu là bằng niềm tin. Vì vậy, các thông tin được đưa ra từ những người nổi tiếng, người thành công rất dễ tác động, nếu tích cực thì giá tăng mạnh nhưng nói ngược lại thì rớt thảm. Hơn nữa, thị trường tiền số không có sự điều tiết của bất kỳ cơ quan quản lý nào và không có biên độ giao dịch nên càng ẩn chứa nhiều rủi ro cho NĐT.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của bộ có liên quan đến lĩnh vực này. Theo Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng như chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase... hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo chưa được pháp luật quy định.
VN chưa có quy định rõ xoay quanh hoạt động giao dịch tiền số nhưng cũng chính vì vậy các NĐT dễ bị lừa đảo, bị đánh cắp tài khoản... nhưng không được bảo vệ. Tuy nhiên, TS Đặng Minh Tuấn cho rằng hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu soạn thảo khung pháp lý liên quan cho thị trường tiền số và có thể đưa vào quản lý để kiểm soát, hạn chế được tiêu cực cho người dân và cũng thu được thuế, phí. Nên xem nó như một dạng tài sản như nhiều nước khác để giao dịch trong khuôn khổ quy định vì xu hướng phát triển và thị trường tiền số sẽ ngày càng lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.