Tiền tác quyền âm nhạc trên mạng tăng vọt

14/01/2021 06:15 GMT+7

Nguồn tiền bản quyền tác giả của tác phẩm Việt thu được từ nước ngoài tăng vọt so với những năm trước. Tiền thu từ tác quyền trên mạng cũng tăng trưởng mạnh.

“2020 là năm của tác quyền âm nhạc trên mạng. Năm 2020, do dịch Covid-19, các hoạt động của trung tâm hầu như được thực hiện trên mạng. Chúng tôi cũng điều chỉnh hoạt động tập trung vào việc khai thác và bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trên môi trường internet; tích cực áp dụng công nghệ 4.0 và các phần mềm quốc tế vào mọi hoạt động”, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho biết.
Trong đó, hợp tác song phương với các tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) là một điểm mạnh. Trong năm 2020, VCPMC ký hợp tác song phương với SAZAS (Slovenia), STEF (Ireland), RSAU (Rwanda), SAYCE (Ecuador), BSCAP (Belize), UNISON (Tây Ban Nha). Theo báo cáo của VCPMC, tiền bản quyền từ quốc tế qua các CMOs tăng 95% so với năm 2019, lên tới gần 4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tiền tác quyền âm nhạc thu từ các website, ứng dụng nhạc, mạng xã hội như YouTube, Facebook... cũng tăng tới 49%, tương đương 103 tỉ đồng.
Trong khi đó, nhiều khoản thu vốn từng chiếm tỷ trọng lớn của VCPMC lại giảm. Chẳng hạn, tiền tác quyền âm nhạc thu từ hoạt động biểu diễn giảm 75% so với năm trước, chỉ đạt 1,3 tỉ đồng. Nguồn từ hoạt động karaoke cũng giảm 63% (đạt 3,6 tỉ đồng).
Theo ông Đặng Đình Long, Tổng giám đốc Công ty Aibiz (đơn vị đo lường nội dung số trên mạng), việc tập trung vào hoạt động trên mạng là chiến lược hợp lý của VCPMC. Để làm được điều này, VCMPC cũng phải đầu tư tổ chức đo đếm các tác phẩm âm nhạc đã được sử dụng thế nào, từ đó tính phí và thu phí khách hàng. “So với trước đây, việc kiểm đếm sử dụng tác phẩm âm nhạc trên mạng của VCPMC đã tốt hơn nhiều. Hiện tại mới giám sát có mấy trăm kênh nội dung online thôi mà đã ghi nhận có nửa triệu bản ghi được sử dụng rồi. Nếu số lượng kênh được giám sát tăng lên thì doanh thu có thể còn tăng nữa”, ông Long nói.
Ông Long nhận định thêm việc thu được các khoản tiền tác quyền của tác giả Việt từ nước ngoài cho thấy uy tín của VCPMC đang tăng lên. “Nếu có nhiều đơn vị ký hợp tác song phương với VCPMC, có nghĩa là uy tín tăng, tiền cũng tăng”, ông Long phân tích.
Năm 2020 cũng ghi nhận nhiều đơn vị đại diện quyền muốn ủy quyền cho VCPMC thu hộ tác quyền âm nhạc. Ông Đinh Trung Cẩn cho biết đã cơ bản hoàn thành đàm phán chi tiết với Liên đoàn Công nghiệp thu âm quốc tế (IFPI), chỉ còn chờ ngày ký kết trực tiếp. Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cũng đang trong quá trình đàm phán.
Hợp tác song phương với các CMOs, được họ thu giúp phần tiền tác quyền ở nước họ, cũng có nghĩa là VCPMC có trách nhiệm thu các khoản tiền tương tự của đối tác tại Việt Nam. “Chúng ta sẽ bước vào thời kỳ chặt chẽ hơn về quyền tác giả âm nhạc. Nếu ai đó sử dụng bản ghi mà không xin phép thì các CMOs sẽ không để yên. Chúng ta phải chịu trách nhiệm luôn các quyền liên quan mà người ta ủy quyền cho mình”, ông Cẩn nói.
Ngoài ra, VCPMC cũng tăng cường truy thu từ các kênh vi phạm tác quyền và sau đó yêu cầu rút tác phẩm âm nhạc xuống. “Việc đi thu cũng không dễ. Khi đơn vị kiểm đếm tác phẩm gửi báo cáo cho VCPMC thì link vẫn còn, nhưng sau đó, khi VCPMC gửi thông báo thu tiền thì họ xóa link, xóa kênh. Nói chung đơn vị thu tiền cũng vất vả”, ông Đặng Đình Long chia sẻ.
Theo Bộ phận Pháp chế của VCPMC, với việc Nghị định 144 về nghệ thuật biểu diễn không yêu cầu hồ sơ cấp phép phải có văn bản thỏa thuận tác quyền âm nhạc, việc thu tiền sẽ khó khăn. Trước đó, từng xảy ra tình trạng nhạc sĩ không đồng ý cho biểu diễn tác phẩm của mình nhưng đơn vị chức năng vẫn cấp phép cho ca sĩ hát.
Về hướng giải quyết, ông Nguyễn Đình Hưng, Trưởng ban Pháp chế của VCPMC, cho hay: “VCPMC sẽ ủy quyền cho luật sư giải quyết. Chúng tôi sẽ thông báo lần nữa tới 63 tỉnh, thành danh sách các tác giả đã ủy thác quyền cho chúng tôi. Các tác phẩm âm nhạc thuộc quyền của người sở hữu chứ không phải của các sở quản lý văn hóa. Họ không được cấp phép liên quan đến tài sản của người khác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.