Theo CNN, đồng USD tăng giá 2,8% so với nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ, lên mức 1 USD đổi được 3,7694 lira trong phiên giao dịch vào sáng 9.10 tại châu Á.
Ông Rodrigo Catril, nhà chiến lược tiền tệ tại ngân hàng National Australia ở Sydney (Úc), cho biết sự sụt giảm mạnh của đồng lira phần nào được giải thích do khối lượng giao dịch thưa thớt, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy rủi ro chính trị đang gia tăng mạnh mẽ trong nước.
“Các nhà đầu tư đang lo lắng về phong trào độc lập ở Kurdistan, vùng đất có người Kurd sinh sống, cũng như những căng thẳng của nước này với châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ có mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chi tiêu nhiều hơn vào nhập khẩu thay vì xuất khẩu, khiến các nhà đầu tư phải lo lắng về khả năng trả nợ của nước này”, ông Catril nói.
Mâu thuẫn ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau khi Đại sứ quán Mỹ ở Ankara bất ngờ thông báo vào hôm 8.10 rằng Mỹ sẽ không cấp thị thực di trú, bao gồm thị thực trong hộ chiếu, thị thực điện tử, thị thực được cấp tại biên giới và thị thực được cấp tại các trụ sở ngoại giao cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái trên là lời đáp trả của Washington sau khi chính quyền Ankara hồi tuần trước đã bắt giữ một nhân viên lãnh sự Mỹ tại Istanbul do cáo buộc có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là nhân vật đứng sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái.
“Các sự kiện gần đây đã buộc chính phủ Mỹ phải đánh giá lại cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sự an toàn của tất cả nhân viên ngoại giao Mỹ”, theo tuyên bố từ Đại sứ quán Mỹ.
Song, chỉ ít giờ sau khi Mỹ ngừng cung cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington D.C cũng nhanh chóng phát đi thông báo nói rằng họ cũng sẽ ngừng giải quyết các đơn xin thị thực của người Mỹ, đồng thời yêu cầu Washington phải xem xét lại những cam kết về an ninh của mình đối với nhân viên và phái bộ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ.
Thương mại giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt khoảng 17 tỉ USD vào năm 2016. Con số này cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn xếp dưới Việt Nam, Thái Lan và Malaysia trong danh sách các đối tác thương mại lớn của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ sang Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm máy bay, kim loại và hàng nông sản.
tin liên quan
Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa ngoại giaoĐại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ tuyên bố tạm ngừng cấp visa sau khi Washington có động thái tương tự trước đó trong cùng ngày 8.10.
Bình luận (0)