|
Lỗi do... thời tiết?
|
Nhịp chính của cầu Thuận Phước kết cấu dầm cầu treo dây võng liên tục có tổng chiều dài 655m, với dầm hộp thép được cấu tạo dạng bản trực hướng. Đây là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam và cũng là lần đầu tiên việc trải thảm mặt đường được ứng dụng công nghệ tiên tiến. Thế nhưng, sau khi đưa vào hoạt động (tháng 7.2009), đến tháng 7.2010 và liên tiếp các năm 2011, 2012, 2013, mặt cầu Thuận Phước liên tục biến dạng, các vết nứt to nhỏ ngang dọc khắp mặt cầu, khiến người dân nghi vấn về chất lượng thi công công trình. Ngày 2.1, ông Mai Triệu Quang, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư xây dựng ECC (gọi tắt là Công ty ECC) cho biết nguyên nhân khiến mặt cầu Thuận Phước nứt là do thời gian đầu xe tải lớn vẫn qua cầu (dù đã bị cấm), nhưng sau này, mặt đường tiếp tục hư hỏng cho dù Công ty ECC đã sửa chữa. “Các nghiên cứu đã chỉ ra một tổ hợp các nguyên nhân gây hư hỏng lớp phủ mặt cầu, bao gồm tải trọng xe quá tải năm đầu tiên khai thác, hiệu ứng nhiệt trong dầm hộp thép vào mùa hè, các biến dạng lớn của kết cấu cầu treo dây võng sau một thời gian khai thác...”, ông Mai Triệu Quang nói. Ông Quang cũng đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố thời tiết trong mùa hè miền Trung khiến nhiệt độ tăng cao trong dầm hộp thép (có thời điểm trên 800C) tác động lớn đến liên kết lớp phủ mặt cầu.
Khó khắc phục triệt để
Năm 2012, Công ty ECC đã tự bỏ kinh phí 1,7 tỉ đồng để thi công mặt cầu Thuận Phước (do thời hạn bảo hành công trình chỉ có 12 tháng), đồng thời kiểm tra, thí nghiệm vật liệu mới nhằm thay thế công nghệ cũ đã từng sử dụng để phủ mặt cầu dây văng trên dầm hộp thép. Và đến tháng 7.2013, Công ty ECC xin phép đóng cầu trong vòng 15 ngày để... sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thuận Phước theo công nghệ mới. Tổng kinh phí cho lần duy tu này lên trên 5 tỉ đồng và ông Mai Triệu Quang cho biết kinh phí cũng từ Công ty ECC. “Dù đã hết hạn bảo hành từ lâu, nhưng với tinh thần trách nhiệm đến cùng và vì uy tín của mình, Công ty ECC đã tiếp tục bỏ kinh phí cho đợt sửa chữa và gia cường này. Đây là tiền của Công ty ECC và là tiền từ mồ hôi nước mắt của cán bộ, công nhân, kỹ sư của công ty”, ông Mai Triệu Quang lý giải vì sao đơn vị này phải bỏ ra cả 7 tỉ đồng để khắc phục mặt cầu Thuận Phước, trong khi gói thầu này chỉ có... 14 tỉ đồng, bằng 1/3 tổng vốn đầu tư cho toàn bộ công trình cầu Thuận Phước.
Ông Mai Triệu Quang khẳng định việc ứng dụng công nghệ mới để sửa chữa mặt cầu Thuận Phước đã cơ bản đảm bảo yêu cầu. Thế nhưng, thạc sĩ Lê Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư vấn và xây dựng QES cho biết đã đề xuất lên UBND TP.Đà Nẵng phương án đưa quạt thông gió vào trong các dầm hộp thép để... xả nhiệt. “Nếu không xử lý theo phương án này thì sẽ không sửa chữa dứt điểm mặt cầu Thuận Phước”, thạc sĩ Việt khẳng định.
Hữu Trà
>> Cấm lưu thông qua cầu Thuận Phước từ ngày 20 đến 30.7
>> Mặt cầu Thuận Phước lại nứt
>> Lễ hợp long cầu Thuận Phước
>> Đà Nẵng: Lao dầm đầu tiên cầu Thuận Phước thành công
Bình luận (0)