Tiền tỉ 'trôi sông' vì thủy điện xả lũ

10/08/2019 22:33 GMT+7

Nhiều hộ dân ở Đồng Nai bỗng lâm cảnh trắng tay, chỉ vì thủy điện Đồng Nai 5 (Lâm Đồng) xả lũ.

Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến người dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Phú Thịnh (H.Tân Phú) và Phú Vinh (H.Định Quán, Đồng Nai).

Đau xót tiền tỉ "trôi sông" thoáng chốc

Sáng ngày 10.8, tại hai điểm nuôi cá bè nói trên, nước sông Đồng Nai vẫn cuồn cuồn chảy, màu đỏ ngầu. Ở trong bờ quang cảnh tất tả của hàng trăm người dân đến đánh bắt cá (trong lồng bè xổng ra ngoài). Còn tại các lồng bè, ai cũng mang một nỗi u buồn vì tài sản lớn đã mất mát trong cơn lũ.
Một số hộ thì gắng gượng lội xuống lồng vớt cá chết lên bán gỡ gạc, nhưng có người vì thiệt hại quá lớn nên buồn chán, chỉ ngồi một chỗ nhìn xa xăm...
Ông Nguyễn Hồng Dân (xã Phú Thịnh) cho biết, gia đình ông nuôi 5 lồng nuôi cá điêu hồng (khoảng 20 tấn/hồ) được 8 tháng và đã đến vụ thu hoạch, nhưng đến nay xem như mất trắng.
“Nước bắt đầu chảy xiết và dâng cao từ đêm 8.8. Nước chảy mạnh đến nỗi xé rách lưới 2 lồng cá của tôi. Gần 100 tấn cá không chịu nổi sức nước đã chết, thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng”, ông Dân buồn rầu.
Cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Châu cũng nuôi 4 lồng bè cá điêu hồng thương phẩm và cá giống, đợt lũ này khiến ông thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, lũ dâng trong những ngày qua đã gây ngập 1.590 ha đất nông nghiệp và hàng ngàn căn nhà, cuốn trôi 99 dèo nuôi cá; hơn 110.000 con gà bị chết; một người bị nước cuốn mất tích, là ông Phạm Văn Lâm (58 tuổi, ngụ Bến Tre) đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Trong đêm 8.8 và 8.9, các lực lượng chức năng di dời tổng cộng 869 hộ dân trong vùng ngập nước đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Châu vớt cá chết do lũ, mang bán gỡ gạc lại vốn

Ảnh: Lê Lâm

Thấp thỏm nỗi lo thủy điện xả lũ

Trao đổi với PV Thanh Niên vào tối 10.8, ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Đồng Nai, cho biết vào ngày 10.8 nước lũ đã rút khá nhiều, nên chính quyền hai huyện Tân Phú và Định Quán đã cho phép người dân đi tránh lũ trở về nhà để dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa; đồng thời khuyến cáo người dân chủ động di dời đến nơi an toàn khi có thông báo mới của chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Minh, do Đồng Nai ở vùng hạ lưu của các thủy điện trên thượng nguồn, sẽ chịu ảnh hưởng khi các thủy điện này xả lũ, nên Đồng Nai luôn lo lắng và chủ động lên các phương án ứng phó kịp thời. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh và thủy điện Đồng Nai 5 để trao đổi thông tin, tổng hợp thông báo, dự báo, cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
“Thượng lưu sông La Ngà thì có thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, nếu có xả lũ thì chỉ ngập ruộng đồng là chủ yếu. Nguy hiểm hơn là thượng nguồn sông Đồng Nai, nơi có thủy điện Đồng Nai 5 và thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông). Nếu thủy điện Đắk Kar vỡ, thì hai huyện Tân Phú và Định Quán sẽ rất nặng nề. Vì vậy mà trong đêm 9.8, chính quyền đã vận động người dân lên vùng đồi cao để phòng tránh”, ông Minh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.