Nuôi dê thoát nghèo
|
Chương trình nuôi và bàn giao dê giống, hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi của Đoàn thanh niên xã Phan Thanh (H.Lục Yên, Yên Bái) gây dựng thành công đã tạo ra phong trào thanh niên bám đất đồi rừng lập nghiệp ngay tại quê nhà.
Bí thư Đoàn thanh niên xã Phan Thanh, anh Lục Văn Hiền, kể lại chương trình nuôi dê giống mới có từ năm 2012 xuất phát từ thực tế thanh niên địa phương theo nhau di cư đi làm ăn xa, nhiều bạn trẻ sau khi thoát ly vài năm trở về quê trắng tay, không nghề nghiệp ổn định. Nhiệm vụ của Đoàn xã khi ấy là tìm cách gây dựng mô hình chăn nuôi, sản xuất giúp thanh niên lập nghiệp, nhưng phải thỏa mãn điều kiện ít vốn đầu tư, hạn chế rủi ro.
Nhưng tìm vốn ở đâu là câu hỏi đau đầu nhất với những người thực hiện chương trình. Đoàn xã đứng ra đảm nhận công trình xây dựng ngay trong xã, rồi kêu gọi thanh niên góp ngày công lao động. Gần một năm lao động, Đoàn có quỹ 5 triệu đồng vừa đủ mua 3 con dê. “Ngày mua dê trùng với hội làng, thanh niên hỉ hả chuẩn bị mổ ăn mừng vui hội. Giữa lúc ấy, Đoàn xã triệu tập họp khẩn cấp giải thích cặn kẽ về ý tưởng nhân giống dê và bầu chọn ngay gia đình nhận trách nhiệm nuôi đàn dê đầu tiên”, anh Hiền nhớ lại.
Cuộc họp diễn ra nửa ngày với nhiều ý kiến tranh luận gay cấn, đàn dê đầu tiên được giao cho anh Hoàng Văn Diễn, hộ gia đình còn khó khăn để chăm nuôi. Theo nguyên tắc thống nhất, qua mỗi mùa sinh sản, đàn dê giống ban đầu được bàn giao sang hộ gia đình khác để nhân giống. Số dê sinh sản mỗi gia đình giữ lại một nửa, số còn lại bàn giao cho Đoàn thanh niên xã làm quỹ dê giống giúp đỡ hộ nghèo. Qua 2 năm triển khai, đàn dê giống đã tăng lên 19 con, giúp nhiều hộ thanh niên có con giống chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bí thư Huyện đoàn Lục Yên Hà Hải Huỳnh cho rằng từ mô hình của thanh niên, đến nay toàn xã Phan Thanh có 40 hộ đầu tư nuôi dê, trong đó 25 gia đình thanh niên. Các trang trại nuôi dê đều khai thác địa hình đồi núi trước đây chỉ có cỏ hoang cây dại. Dê ăn thức ăn tự nhiên nên cho nguồn thịt sạch, chất lượng cao, dễ tiêu thụ. “Ngoài địa bàn H.Lục Yên, thanh niên ở nhiều nơi trong tỉnh tìm về Phan Thanh để học tập mô hình nhân giống dê giúp dân thoát nghèo”, anh Huỳnh cho biết.
Triệu phú trẻ ở xã nghèo
Ở xã Cảm Nhân, cách trung tâm H.Yên Bình (Yên Bái) 70 km, trang trại chăn nuôi tổng hợp mỗi năm cho thu nhập hơn 600 triệu đồng của Vi Văn Nguyên (23 tuổi) là khối tài sản nhiều người mơ ước, có khi họ làm cả đời cũng không ra.
Học hết lớp 9, Nguyên tự vạch ra cho mình con đường lập nghiệp làm kinh tế nông nghiệp bài bản và chắc chắn, thực hiện ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương còn nhiều gian khó. Thấy chăn nuôi trâu bò là thế mạnh ở địa phương, Nguyên quyết định lập nghiệp từ những con giống này. Trước khi đầu tư, Nguyên cất công tìm gặp hàng chục hộ gia đình, chủ trang trại để học hỏi. Những kinh nghiệm thành công, bài học thất bại từ người đi trước đều được Nguyên ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ vào sổ tay và tìm đọc thêm sách tích lũy kiến thức về chăn nuôi, thú y.
Đầu năm 2007, Nguyên tự tin đầu tư mua 5 con trâu, bò và cải tạo 4 ha đồi rừng để trồng keo, bồ đề. Chờ khi đồi cây đủ bóng xanh tốt, Nguyên nuôi thêm gà, vịt thương phẩm, lấy trứng. Bằng cách làm lấy ngắn nuôi dài, dễ quay vòng vốn, Nguyên có điều kiện đầu tư khu chăn nuôi ban đầu thành trang trại tổng hợp. “Dưới ao thả cá, trên bờ có gà vịt, lớn hơn nữa thì nuôi trâu bò. Ngoài cây gỗ lâu năm, mình cho trồng thêm ngô sắn. Không có nhiều vốn, mình phải đan xen nhiều loại cây con, gối vụ nọ vụ kia thường xuyên có nguồn thu nhập, có tiết kiệm để tái đầu tư. Mục tiêu lớn nhất vẫn là xây dựng trang trại nuôi trâu bò quy mô lớn”, Nguyên hào hứng kể về dự định tương lai.
Sau gần 7 năm khởi nghiệp, Vi Văn Nguyên sở hữu trang trại quy mô bề thế nhất xã Cảm Nhân với gần 10 ha trồng cây nông lâm sản. Trang trại chăn nuôi rộng gần 1 ha với 33 con trâu bò, trên 300 gà vịt sinh sản và ao cá rộng hơn 1.000 m2. Mỗi năm, trang trại mang về cho Nguyên nguồn thu nhập trên 600 triệu đồng. Ngoài số lao động thời vụ, trang trại của Nguyên đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về tấm gương điển hình này, Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Cẩm Nhân Lý Mạnh Linh cho biết không chỉ làm giàu cho bản thân, trên cương vị Bí thư Chi đoàn thôn Bản Lầu, Nguyên trực tiếp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp thanh niên địa phương phát triển kinh tế hộ và đặc biệt gương mẫu, nhiệt tình trong các hoạt động tình nguyện tại địa phương. Cũng theo anh Linh, Nguyên nằm trong số cá nhân tiêu biểu Tỉnh đoàn Yên Bái lựa chọn đề cử T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của năm 2014.
Quang Minh - Phan Hậu
>> Làm giàu từ biển
>> Nuôi bò sữa làm giàu
>> Khơi dậy khát vọng làm giàu trong thanh niên
>> Làm giàu từ cây cam
Bình luận (0)