Tiến tới nền công nghiệp dược tự chủ

14/03/2024 07:47 GMT+7

Để có thể tự chủ nguồn nguyên liệu, sản xuất được thuốc chất lượng cao, biệt dược, đảm bảo an ninh dược phẩm... Việt Nam cần có chính sách ưu đãi đầu tư thành lập các khu công nghiệp y - dược với các doanh nghiệp hàng đầu ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu (R&D) phát triển một cách bền vững.

TP.HCM TIÊN PHONG LÀM KCN CHUYÊN NGÀNH Y - DƯỢC

Theo Bộ Y tế, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược là một trong các nội dung trọng tâm của Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là Chiến lược), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại công nghiệp dược Việt Nam ở mức độ 3/4, là quốc gia sản xuất được thuốc generic (dược phẩm dùng thay thế sản phẩm gốc và được đưa ra thị trường sau khi bản quyền của sản phẩm gốc hết hạn) và tự chủ một phần thuốc chữa bệnh.

Trước thực tế Việt Nam còn hạn chế về nguyên liệu hóa dược, về nghiên cứu phát triển thuốc mới, với 90% nguyên liệu tân dược phải nhập khẩu, một trong nội dung lớn của Chiến lược là ưu tiên bố trí cho đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN) dược để thu hút các nhà đầu tư. Từ đó, phát triển các dự án sản xuất thuốc biệt dược gốc còn bản quyền, sản xuất thuốc gia công ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các chứng nhận độc quyền có liên quan; thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao; vắc xin, sinh phẩm chuyển giao công nghệ...

Tiến tới nền công nghiệp dược tự chủ- Ảnh 1.

Bộ Y tế kêu gọi đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao

Q.ANH

Cạnh đó, xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành để nghiên cứu phát triển thuốc, trong đó nhà nước là chủ đạo và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phù hợp để các doanh nghiệp (DN), cơ sở nghiên cứu tham gia đầu tư.

Theo Cục Quản lý dược, hiện TP.HCM thuộc số ít các tỉnh, thành đã có định hướng khá rõ về phát triển công nghiệp dược với chủ trương cụ thể như khuyến khích đầu tư công nghệ cao trong sản xuất thuốc; kêu gọi công ty nước ngoài đầu tư sản xuất thuốc bản quyền, chuyển giao cho các nhà máy tại thành phố; tập trung ở phân khúc kỹ thuật cao như công nghệ sinh học; thuốc chuyên khoa đặc trị; chế phẩm từ huyết tương; dạng bào chế mới; dạng bào chế đặc biệt, hệ phân tán thuốc.

Đặc biệt, TP.HCM sẽ hình thành KCN chuyên ngành y - dược, chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc một ngành, nghề cụ thể. KCN này có tối thiểu 60% diện tích đất được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư cho các chuyên ngành: cơ sở sản xuất (thuốc, bao bì, trang thiết bị…); cơ sở thử nghiệm lâm sàng và đánh giá tương đương sinh học, kho, logistic; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kiểm nghiệm.

Trong 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 4,29 tỉ USD, tăng 38,6%; vốn thực hiện đạt 2,8 tỉ USD, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Ông Lê Hữu Quang Huy, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), đánh giá Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn, xu thế là tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch.

Tiến tới nền công nghiệp dược tự chủ- Ảnh 2.

Trong nước có hơn 230 nhà máy dược phẩm đạt GMP-WHO và GMP-EU là điều kiện sản xuất thuốc đảm bảo chất lượng

Q.Anh

Ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch ISC, chia sẻ thêm ISC và Ban Chấp hành lâm thời Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu về hệ thống luật pháp, hành pháp trong các KCN, đặc biệt là KCN sinh thái, từ đó giúp DN tháo gỡ vướng mắc. Đặc biệt, không chỉ xúc tiến đầu tư nước ngoài mà cả đầu tư trong nước vì nhiều DN trong nước lớn mạnh, trong khi, Việt Nam được đánh giá là thị trường dược phẩm còn nhiều dư địa tăng trưởng.

NHẬP 3,5 TỈ USD, XUẤT 200 TRIỆU USD

Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), triển khai phát triển công nghiệp dược trong nước đã có những điểm nhấn đáng kể. Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp dược do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban, có kế hoạch cụ thể để thu hút đầu tư. Sau thời gian làm việc với nhiều đối tác, Bộ Y tế và một số địa phương đã có đối tác ký bản ghi nhớ phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam, mục tiêu phát triển ngành dược dựa trên 3 nội dung chính: hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp dược.

Ông Cường nhìn nhận qua thực tế nhu cầu vắc xin trong phòng chống đại dịch Covid-19; tình trạng thiếu hụt một số thuốc do gián đoạn nguồn cung xảy ra trong năm 2023, cho thấy vấn đề về an ninh dược phẩm trong phòng chống dịch bệnh, chăm sóc y tế người dân. "Do đó, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược sản xuất trong nước sẽ giúp chúng ta chủ động nguồn cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị, giảm phụ thuộc vào thuốc xuất khẩu; giảm phụ thuộc nguyên liệu hóa dược, chủ động nguyên liệu từ dược liệu trong nước", ông Cường kỳ vọng.

Cục trưởng Cục Quản lý dược trăn trở: "Năm 2023 - 2024, quy mô thị trường dược phẩm đạt 6,5 - 7 tỉ USD, trong đó nhập khẩu 3,5 tỉ USD. Xuất khẩu thì khiêm tốn, mới đạt trên 200 triệu USD, nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu trên 90%".

Tiến tới nền công nghiệp dược tự chủ- Ảnh 3.

Cùng với đó, trong nước có nguồn nhân lực tốt, 230 nhà máy dược phẩm đạt WHO-GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt tiêu chuẩn WHO), trong đó có gần 20 nhà máy đạt EU-GMP, thuốc trong nước chiếm 70% số lượng sử dụng, nhưng mới chỉ đạt 50% về giá trị. "Để gia tăng hơn tỷ lệ nội địa và giá trị thuốc sản xuất trong nước trên thị trường thuốc cần đồng bộ một số giải pháp, trong đó có sửa đổi luật Dược", ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, trong luật Dược sửa đổi có nội dung riêng về công nghiệp dược, theo hướng khuyến khích sản xuất thuốc phát minh, thuốc có dạng bào chế công nghệ cao, bởi trước đây trong nước chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc đã hết bản quyền). Đồng thời đẩy mạnh thế mạnh của chúng ta là dược liệu và thuốc từ dược liệu, mở rộng vùng trồng, chuẩn hóa chất lượng dược liệu. Cùng với đó, về chính sách mua sắm đấu thầu cũng sẽ khuyến khích thuốc trong nước, nâng tỷ lệ thuốc nội sử dụng.

Lãnh đạo Cục Quản lý dược kỳ vọng mục tiêu công nghiệp dược Việt Nam sẽ đạt mức 4 là mức công nghiệp dược sản xuất được thuốc phát minh. Có chính sách cụ thể về khoa học công nghệ, ưu đãi với DN phát triển thuốc công nghệ cao, đưa vào một số công nghệ cao, thuốc phát minh vào danh mục ưu đãi, thúc đẩy đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng trong nước và hỗ trợ DN xuất khẩu, mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD tiền thuốc đến 2030.

Việt Nam phụ thuộc nguyên phụ liệu dược phẩm nhập khẩu

Mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về dược liệu, y học cổ truyền, sản xuất vắc xin, nhưng sản xuất dược phẩm tại Việt Nam vẫn lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nền công nghệ hóa dược trong nước vẫn chưa phát triển để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước.

Về nguyên liệu tân dược, hơn 90% nhu cầu nguyên liệu để sản xuất thuốc tân dược phải nhập khẩu. Ngoài ra, mặc dù phần lớn bao bì sử dụng sản xuất dược phẩm đã được sản xuất trong nước nhưng vẫn còn một số nhà sản xuất chưa đáp ứng được tiêu chuẩn GMP dành cho bao bì cấp 1, là những loại bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.

Nhiều nguyên liệu đông dược được sử dụng tại Việt Nam cũng nhập khẩu do nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ, nhiều loại thảo dược không trồng được do khí hậu không phù hợp.

Với một số dược liệu nội địa, quy trình trồng chưa được chuẩn hóa và chưa được quy hoạch tổng thể, có thể dẫn tới nguyên liệu dược liệu quý hiếm tại Việt Nam có thể dần cạn kiệt.

Tổng công ty Dược Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.