Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT tại Quốc hội (QH) ngày 12.11, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp để phục hồi sau dịch, các gói kích thích hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt các DN nhỏ và vừa dễ bị tổn thương, không có doanh thu và lợi nhuận để được miễn, giảm thuế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, chúng ta mới tập trung vào hỗ trợ cho những DN “khỏe”, tức là đang có doanh thu, đang có lợi nhuận để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế của nhà nước, nhưng những DN yếu, không có doanh thu chưa được quan tâm hỗ trợ. “Chúng tôi lưu ý vấn đề này để tham mưu cho Chính phủ có những chính sách cần thiết để hỗ trợ cho những DN mà hiện nay đang rất khó khăn, đang không có doanh thu và không có lợi nhuận để hưởng miễn giảm thuế của nhà nước”, ông Dũng nói.
Từ góc độ điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết khả năng chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% theo mục tiêu của QH là có thể đạt được, vì hết tháng 10 lạm phát mới tăng 1,81%. Tuy nhiên, “rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn” trong năm 2022. Bà Hồng phân tích: Thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng thì các ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu. Nếu để nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng suy giảm thì khả năng chi trả sẽ giảm và ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.
“Khi thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất năm 2008, không tính toán cẩn thận đã có rủi ro lạm phát quay trở lại 2011, có thời điểm lên tới 18%”, bà Hồng nói và cho biết NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất, song phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của từng tổ chức tín dụng và cả hệ thống.
Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đề nghị với Chính phủ, QH thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giãn, giảm thuế như năm 2021 đã thực hiện (đến ngày 31.12.2021 dự kiến đạt khoảng 115.000 tỉ đồng) và giảm 30 loại phí. Ngoài ra, giảm 30% thuế giá trị gia tăng, 30% thuế thu nhập DN, 50% thuế các hộ kinh doanh...
Đối với gói kích cầu, theo ông Phớc, nếu bỏ ra mỗi năm 20.000 tỉ đồng, thì năm 2022 - 2023 có 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 4%, nền kinh tế huy động được 1 triệu tỉ đồng. Mức này không làm tăng bội chi ngân sách, trần nợ công, vì lấy từ nguồn đầu tư chưa phân bổ năm 2021 - 2025. Đặc biệt, ông Phớc đề xuất xem xét phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc công trái bằng ngoại tệ huy động trong dân khoảng 180.000 tỉ đồng. “Tuy nhiên, chúng tôi hết sức băn khoăn khi tiền này tung ra thì nền kinh tế có hấp thụ được không, vào lĩnh vực nào. Tiền này chỉ đi vào nền kinh tế khi các dự án đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tạo nên đột phá lớn, nên chuẩn bị phải nhanh. Ngoài ra, cần lập dự án trong điều kiện đặc biệt mới tiêu được”, ông Phớc nói và cho biết thêm các gói kích cầu phải đồng bộ với chính sách tài khóa tiền tệ.
Về công cụ chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo sẽ tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; còn chi đầu tư phát triển phải có hiệu quả. Đối với dự toán phân bổ ngân sách cho các tỉnh đã cắt giảm 10% so với định mức chi thường xuyên Ủy ban Thường vụ QH ban hành, quá trình điều hành sẽ cắt giảm 10% nữa. Tiết giảm các khoản chi không cần thiết để tăng nguồn lực đầu tư, chống dịch.
Bình luận (0)