Tiền tuyến Ukraine dưới áp lực từ hậu trường

22/02/2025 05:38 GMT+7

Giằng co ở tiền tuyến, Ukraine giờ đây còn chịu thêm áp lực mới khi căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang.

Hàng loạt tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày qua lan đến những chiến hào phủ đầy tuyết phía đông Ukraine, nơi những binh sĩ nước này đang chật vật đối phó những làn sóng tấn công từ quân Nga.

Cam kết sớm chấm dứt chiến sự tại Ukraine, ông chủ Nhà Trắng đang có những động thái xúc tiến như tổ chức đối thoại cấp cao Mỹ - Nga tại Ả Rập Xê Út ngày 18.2, cũng như đưa ra những phát biểu khiến Ukraine lo ngại sẽ phải nhượng bộ về nhiều mặt.

Ông Trump gọi ông Zelensky là 'nhà độc tài' trong cuộc đấu khẩu về hòa đàm

Lo ngại lan rộng

Trong một ngôi nhà kín đáo ven thị trấn Lyman ở Donetsk cách các cứ điểm Nga chỉ hơn 10 km, binh sĩ có bí danh Serhii thuộc Lữ đoàn Cơ giới 115 của Ukraine cho biết "mọi người đều nói về những phát biểu của ông Trump".

"Tôi vẫn cho rằng còn cơ hội giai đoạn căng thẳng (giữa Mỹ và Ukraine) sẽ tiếp nối bằng một giai đoạn trầm lắng hơn", trang Foreign Policy dẫn lời binh sĩ này hy vọng. Một binh sĩ khác trong lữ đoàn này là Oleksandr cho biết tình hình khó khăn do nhiều binh sĩ không hiểu rõ diễn biến chính trị. "Người Nga sẽ thúc ép và chúng tôi không biết ông Trump muốn gì. Ai đó phải nghĩ cho Ukraine vì chúng tôi đang cạn kiệt nhân lực", binh sĩ này lo ngại.

Tiền tuyến Ukraine dưới áp lực từ hậu trường - Ảnh 1.

Các binh sĩ Lữ đoàn Jaeger 68 của Ukraine nghỉ ngơi tại Donetsk

Ảnh: Reuters

Tiểu đoàn trưởng Volodymyr Sablyn thuộc Lữ đoàn Cơ giới 66 đang chiến đấu gần Lyman cho rằng nếu hòa đàm gồm việc để Nga kiểm soát một số lãnh thổ của Ukraine sẽ gây hậu quả nguy hiểm. "Điều này sẽ tạo tiền lệ và cho thấy Nga có thể tấn công bất cứ nước nào, kiểm soát lãnh thổ và biến thành của mình mà không bị trừng phạt", ông cảnh báo.

Áp lực tiếp diễn

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng hôm 20.2, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quay lại bàn đàm phán về khoáng sản với Mỹ. Trước đó, ông Zelensky bác bỏ đề nghị của Mỹ về việc trả 500 tỉ USD khoáng sản để được Mỹ tiếp tục viện trợ. Sau khi tiếp Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg hôm 20.2, Tổng thống Zelensky cam kết sẽ nhanh chóng đưa ra "một thỏa thuận mạnh mẽ về đầu tư và an ninh" với Mỹ.

Ông Trump 'rất thất vọng' vì Ukraine từ chối thỏa thuận khoáng sản

Theo tờ The Guardian, còn có những dấu hiệu khác cho thấy Nhà Trắng tiếp tục gây áp lực với Ukraine. Mỹ đang từ chối ủng hộ một dự thảo nghị quyết của LHQ về sự kiện đánh dấu 3 năm Nga đưa quân sang Ukraine. Nghị quyết lên án Nga, tái khẳng định chủ quyền của Ukraine và biên giới giữa 2 nước trước năm 2014, khi Nga chưa sáp nhập Crimea. Nhà Trắng còn không ủng hộ một thông cáo từ các nước G7 chỉ trích Nga và không đồng ý với kế hoạch cho phép ông Zelensky phát biểu trước lãnh đạo các nước trong nhóm này, theo tờ Financial Times. G7 gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý.

Nhiều bên lên tiếng

Lo ngại về những diễn biến bất lợi đối với Ukraine và khu vực, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với ông Zelensky hôm 20.2 để bàn về những nỗ lực ngoại giao mới nhất và chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ vào ngày 24.2. Ông Macron cho biết mình sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump rằng lợi ích của ông ấy phù hợp với châu Âu, đồng thời kêu gọi ông Trump không "yếu đuối" trước ông Putin.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky hôm 20.2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh rằng bất cứ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt chiến sự với Nga đều phải có Ukraine tham gia đàm phán. Phát biểu tại hội nghị ngoại trưởng các nước G20 ở Nam Phi hôm 21.2, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hy vọng các bên trong xung đột tại Ukraine hợp tác để giải quyết. Tại hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại T.Ư Đảng - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng nước này "ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho hòa bình" ở Ukraine, bao gồm cả sự đồng thuận gần đây đạt được giữa Mỹ và Nga.

Ba Lan kêu gọi tăng cường biên giới châu Âu

Reuters ngày 21.2 dẫn lời Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk kêu gọi tăng cường tuần tra trên không, tăng cường phòng thủ vùng Baltic và củng cố biên giới Liên minh châu Âu (EU) với Nga, do lo ngại an ninh ngày càng tăng. "Nói đủ rồi, đã đến lúc hành động!", ông Tusk nhấn mạnh. Ông thúc giục EU nhanh chóng thông qua các quy tắc mới để tài trợ cho các nỗ lực cải thiện quốc phòng của châu Âu và kêu gọi EU dùng tài sản bị đóng băng của Nga để viện trợ Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu cùng nhau lập "kế hoạch phòng thủ đồ sộ" cho châu lục. Theo ông, châu Âu sẽ không lập một quân đội chung, nhưng có thể cùng nhau lập năng lực phòng thủ chung, tự chủ trước Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.